Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công
VOV.VN - Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có những điểm mới nhằm quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công.
Nhận định này được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về Những điểm mới trong Dự thảo Quản lý, sử dụng tài sản công, do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính chủ trì họp báo.
Tại buổi họp báo, đại diện Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, để nâng cao tính răn đe, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, dự thảo Luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này quy định nội dung cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
Về xử lý vi phạm, các hành vi gây thiệt hại về tài sản công thì trước hết phải bồi hoàn đầy đủ cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề khoán xe công, trả lời câu hỏi tại sao dự thảo luật không quy định cụ thể về mức khoán và các hình thức khoán, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến về vấn đề này.
“Có ý kiến quy định luôn trong luật khoán cụ thể đi đến nơi làm việc hay công tác địa phương” ông nói. “Tuy nhiên đa số tán thành phương án quy định nguyên tắc khoán. Còn phương thức khoán thì giao cho Chính phủ quy định. Vì việc khoán kinh phí phụ thuộc kinh tế xã hội từng thời kỳ, từng cơ quan đơn vị, mức khoán lên xuống theo giá cả thị trường. Khoán là phương thức mới và phải giải quyết hàng loạt vấn đề như giải quyết công ăn việc làm cho lái xe…Hiện giao cho Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp.”
Về vấn đề khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, đại diện Cục Quản lý công sản cho biết, để có thể khai thác nguồn lực từ tài sản công đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội, giảm dần sự bao cấp của Nhà nước, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tiếp tục cho phép các đơn vị sự nghiệp có khả năng xã hội hóa được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết như Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành. Tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập đều có quyền khai thác tài sản công khi đủ các điều kiện theo quy định.
Trước băn khoăn về việc cho phép đơn vị sử dụng tài sản liên doanh liên kết liệu có dẫn tới kinh doanh tràn lan, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính khẳng định, dự thảo quy định không dùng ngân sách nhà nước để đầu tư cho các công trình sự nghiệp có tính chất kinh doanh. Bây giờ sẽ kiểm soát ngay từ đầu.
“Thực tế vẫn có trường hợp dôi dư, xuất phát từ nguyên nhân khách quan”, ông cho biết. “Ví dụ có công trình trung tâm hội nghị, thể thao, đó là những nơi phải đầu tư nhưng không thể sử dụng hết công suất, không khai thác thì xuống cấp và không có nguồn bảo trì bảo dưỡng nên vẫn phải cho khai thác. Trường hợp này thì được phép dùng tài sản vào mục đích kinh doanh nhưng tất nhiên điều kiện chặt chẽ và công khai kể cả giá cho thuê, ai thuê, ai liên doanh liên kết với ai.”
Về xử lý vi phạm, các hành vi gây thiệt hại về tài sản công, Dự thảo Luật Quản lý tài sản công lần này quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.