Tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng
VOV.VN -Góp ý báo cáo thực hiện chống lãng phí năm 2018 của Chính phủ, các đại biểu đề nghị tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 33, chiều nay 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo |
Trình bày báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong năm 2018 còn tồn tại nhiều khó khăn bất cập như nhiều đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước sai chế độ. Nợ đọng thuế tăng so với năm 2017.
Một số dự án quan trọng quốc gia đã được bố trí vốn nhưng triển khai chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư công; một số dự án giao thông quan trọng chậm đưa vào khai thác, sử dụng; có dự án chất lượng chưa bảo đảm, một số cây cầu bị thấm, dột (Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường sắt đô thị Tp. Hà Nội).
Phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, Ủy ban TVQH nhận định, việc xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành và tính tự giác của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn có những hạn chế nhất định,... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn hạn chế. Tình trạng phức tạp tại một số trạm thu phí BOT giao thông chậm được giải quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Liên quan đến quy định của Chính phủ về thực hiện thu phí không dừng theo QĐ07-2017, bà Lê Thị Nga khẳng định, cho tới nay lộ trình thực hiện rất chậm. Theo đánh giá, việc thu phí điện tử có rất nhiều tác dụng ở trạm BOT, tiết kiệm thời gian của người dân. Qua quá trình theo dõi, cùng phản ánh của báo chí, người dân bức xúc vì phải chờ vì các trạm làm theo thủ công. Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ đầy nhanh tiến độ thực hiện.
Về thực hiện Chính phủ điện tử, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc này đã thực hiện nhiều năm. Tuy nhiên, qua theo dõi có một số ngành rất quan trọng Chính phủ điện tử áp dụng rất chậm. Cụ thể, trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp trình Quốc hội năm ngoái một số nơi thực hiện nửa vời.
“Vừa qua, trong một phiên điều trình về giao thông, nói Chính phủ điện tử, nhưng giữa một số ngành như Công an và Giao thông không liên thông dữ liệu dẫn đến công an giữ bằng lái xe nhưng ngành giao thông không nắm được những trường hợp nào đang tạm giữ giấy phép lái xe cho nên thất lạc. Cái đó, nếu như thực hiện chính phủ điện tử thì sẽ liên thông dữ liệu hai bên. Cảnh sát giao thông mà giữ giấy phép lái xe thì chỉ báo lại với bên giao thông qua đó tránh được việc cấp lại”- Bà Nga nêu rõ.
Cho ý kiến vào thực hành chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải cho biết, theo số liệu tập hợp được cử tri còn băn khoăn vì còn rất nhiều công trình đầu tư bằng ngân sách còn lãng phí, bỏ hoang.
Bà Hải dẫn chứng “Dự án Liên Chiểu, trước đây dự định xây dựng nhà ở cho công nhân. Sau đó từ năm 2012-2104, đổi sang xây dựng KTX và đến nay cứ để bỏ hoang. Người dân không biết, vì vậy cử tri mong muốn, đối với những dự án này, giả sử chúng ta có phương án, quy hoạch khác thì cũng công bố công khai, minh bạch để cử tri biết, nhìn thấy và đỡ xót ruột”
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, gửi tới các đại biểu Quốc hội theo đúng quy định./.