Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Hàng không dân dụng
VOV.VN -Vấn đề đảm bảo an ninh hàng không được nhiều đại biểu góp ý, thống nhất đặt an toàn hàng không là ưu tiên hàng đầu.
Sáng 18/2, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra sơ bộ Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì cuộc họp.
Sau gần 7 năm có hiệu lực thi hành, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành hàng không. Tuy nhiên, qua triển khai, Luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập liên quan tới an ninh hàng không, hoạt động thanh tra chuyên ngành, quản lý dịch vụ hàng không, cũng như quản lý, cấp phép bay cho tàu bay không người lái và phương tiện siêu nhẹ.
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với luật pháp quốc tế, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phù hợp với Hiến pháp mới.
Góp ý vào Dự án Luật này, đa số ý kiến đề nghị Dự thảo cần làm rõ một số khái niệm “nhà chức trách hàng không” để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của ngành hàng không và phù hợp với quốc tế. Có ý kiến đề xuất chỉ nên xác định rõ Cục hàng không là nhà chức trách hàng không, còn nhiệm vụ, quyền hạn giao cho Chính phủ quy định.
Về thanh tra hàng không, dự thảo Luật sửa đổi “thanh tra hàng không thuộc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về hàng không dân dụng”.
Ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo. Bởi vì, theo Luật thanh tra quy định thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thể do thanh tra Bộ vừa thực hiện thanh tra chuyên ngành, vừa thực hiện thanh tra nhà nước. Quy định như vậy là cần thiết, phù hợp với yêu cầu đặc thù có tính chuyên ngành của hàng không dân dụng, phù hợp với điều ước quốc tế, đồng thời thống nhất với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Vấn đề đảm bảo an ninh hàng không được nhiều đại biểu góp ý, thống nhất đặt an toàn hàng không là ưu tiên hàng đầu. Nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ các điều khoản, xác định rõ lực lượng tham gia đảm bảo an ninh hàng không.
Về nội dung trang bị vũ khí, có ý kiến đề nghị quyền sử dụng vũ khí phải được quy định rõ trong Dự luật này, còn việc trang bị loại vũ khí nào, công cụ hỗ trợ nào thì theo quy định của pháp luật về sử dụng vũ khí.
Về quyền lợi của công dân, có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật cần quan tâm tới quyền và lợi ích của người dân.
Một số nội dung khác được sửa đổi, bổ sung gồm thẩm quyền quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; thẩm quyền đóng, mở sân bay chuyên dụng; thẩm quyền quản lý chướng ngại vật, quản lý độ cao công trình; bảo đảm hoạt động bay; vấn đề vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ; lực lượng kiểm soát an ninh hàng không…/.