Thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy là không cần thiết
(VOV) -Nhiều đại biểu cho rằng, việc thành lập Sở PCCC sẽ gây lãng phí ngân sách Nhà nước, nguồn nhân lực xã hội.
Phòng chống cháy nổ đang là một nhiệm vụ cấp bách đối với đời sống kinh tế-xã hội, đảm bảo an toàn tính mạng và giảm thiệt hại về vật chất đối với xã hội và nhân dân. Đây là nội dung chính được đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ sáng 28/5 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Đại biểu đóng góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC |
Cần có Quỹ phòng cháy, chữa cháy
Đại biểu Nguyễn Minh Kha (đoàn Cần Thơ) cho rằng, kinh tế ngày càng phát triển kéo theo nhiều công trình cao tầng, nhà ở được xây dựng. Tuy nhiên, nhiều công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống cháy nổ. Thực tế đã chứng minh trong thời gian qua, nhiều vụ cháy nổ diễn ra ở các toà nhà cao tầng, khu chung cư.
Để khắc phục tình trạng cháy nổ một cách hiệu quả, chúng ta cần phải thẩm định việc đảm bảo an toàn PCCC ở các toà nhà cao tầng, toà nhà chung cư. Song song với việc thẩm định là mở lớp tập huấn PCCC trong nhà trường, các Sở, ban, ngang, cơ quan để người dân có thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ ở nơi sinh sống và nơi làm việc.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết: Ý thức phòng chống cháy nổ của người dân chưa được cao nên mới xảy ra cháy nổ nhiều như hiện nay. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC đối với người dân thì địa phương cần dành nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị dự phòng chống cháy nổ. Từng địa phương nên có Quỹ PCCC dùng trong công tác tập huấn lực lượng phòng chống cháy nổ, mua sắm phương tiện PCCC.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ) cho rằng, các địa phương hàng năm nên trích kinh phí nhất định để dành cho công tác PCCC.
Không nên thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy
Để phòng chống cháy nổ hiệu quả, Quốc hội có thể nghiên cứu thành lập Sở PCCC. Sở PCCC sẽ gồm nguồn lực, ngân sách riêng, chuyên thực hiện nhiệm vụ phòng chống cháy nổ. Đó là ý kiến của đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hoá).
Theo đại biểu Lê Minh Thông, nếu có Sở PCCC thì chắc chắn công tác phòng chống cháy nổ sẽ được thực hiện chuyên sâu, thường xuyên và bài bản hơn. Lực lượng PCCC sẽ riêng biệt, tách khỏi lực lượng công an hay dân phòng đang phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc.
Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) đưa ra quan điểm, cháy nổ hiện nay diễn ra rất phức tạp. Việc có nên thành lập Sở PCCC ở địa phương hay không thì cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi khi thành lập thêm một Sở thì có nghĩa là phải có kinh phí, nguồn nhân lực… Điều này sẽ làm tăng nguồn chi ngân sách ở các địa phương. Thế nhưng, hiện nay, ngân sách ở các địa phương không phải là nhiều, mà phải dành cho nhiều lĩnh vực, công việc khác nữa. Vì vậy, không nên thành lập thêm Sở PCCC.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, để tăng nguồn kinh phí cho công tác PCCC, chúng ta có thể thực hiện theo hình thức xã hội hóa, thu hút nguồn đóng góp của tầng lớp nhân dân.
Đại biểu Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) nêu ý kiến: Nên giao công tác PCCC cho lực lượng công an đảm nhiệm. Nếu thành lập Sở PCCC và tách riêng công tác PCCC ra khỏi lực lượng công an thì sẽ gây lãng phí ngân sách Nhà nước, nguồn nhân lực xã hội. Vì thế, không nên thành lập Sở PCCC. Điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần phải có Quỹ PCCC bằng nhiều nguồn lực khác nhau./.