Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm
VOV.VN -Báo cáo của Chính phủ khẳng định tham nhũng diễn ra ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.
Tham nhũng gây bức xúc dư luận
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/9 cho biết, năm 2013, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý.
Theo đó, Bộ công an đã phát hiện, điều tra một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Trong 8 tháng qua đã thụ lý, điều tra 20 vụ án, 109 bị can, trong đó khởi tố 11 vụ, 65 bị can; kết luận điều tra 8 vụ, 51 bị can, đình chỉ điều tra 1 vụ…
Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã thụ lý kiểm sát điều tra 31 vụ/149 bị can; đã giải quyết 7 vụ/28 bị can; đang giải quyết 24 vụ/121 bị can. Qua đó, Viện kiểm sát đã kịp thời kiến nghị với các cơ quan, các ngành hữu quan khắc phục những sai phạm, những sơ hở trong công tác quản lý để xử lý và phòng ngừa vi phạm.
Toàn ngành thanh tra đã triển khai 4.724 cuộc thanh tra hành chính và 89.281 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 283.183 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.225 tỷ đồng, 425 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 4.934 tỷ đồng và 401 ha đất (đã thu hồi 2.306); xử phạt vi phạm hành chính 252 tỷ đồng…; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 43 vụ, 43 đối tượng.
Về minh bạch tài sản, thu nhập, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012.
Báo cáo cũng cho biết, từ đầu 2013 đến nay, 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xả ra tham nhũng, trong đó có 4 người đã bị xử lý hình sự, 28 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính. Tuy nhiên, nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu.
Chính phủ cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung lãnh đạo, đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát. Thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Theo theo ông Huỳnh Phong Tranh, tuy đã đạt được kết quả tích cực, nhưng tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong dư luận xã hội và người dân.
Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Theo báo chí và dư luận nhân dân thì tham nhũng diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, kể cả lĩnh vực hỗ trợ dạy nghề nông thôn, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ tái định cư…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết, qua giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp ở một số địa phương cho thấy, nhiều hành vi liên quan tới tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật hành chính có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; việc đình chỉ điều tra một số vụ án nghiêm trọng vẫn diễn ra; việc áp dụng nhiều lần tình tiết giảm nhẹ để xét xử dưới khung hình phạt, sau đó cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ còn chiếm tỷ lệ cao (bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,16% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử).
Thực tế cho thấy, việc phát hiện, tố cáo tham nhũng chưa trở thành phong trào của quần chúng nhân dân như trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Đây là thực trạng cần được đánh giá, phân tích sâu sắc để có cơ chế huy động, phát huy sức mạnh toàn dân đấu tranh phòng chống tham nhũng./.