Tòa bảo vệ công lý nên mắc sai lầm thì phải khắc phục
VOV.VN -“Hiến pháp quy định TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, nhưng qua giám sát, kiểm tra thấy còn oan, sai. Lúc đó bảo vệ công lý chỗ nào?”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề trên khi phát biểu ý kiến về quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) sáng 12/3.
Có thủ tục đặc biệt để khắc phục sai lầm, vi phạm
Chánh án TANDTC cho biết còn hai luồng ý kiến khác nhau về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong khi đó đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị giữ như quy định hiện hành (Chương XV của Luật TTHC hiện hành).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, vấn đề này đã được Quốc hội khóa XII xem xét kỹ lưỡng khi thông qua Luật tố tụng hành chính năm 2010. Đây là cơ chế đặc biệt khắc phục thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng hành chính đối với trường hợp qua giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cũng như giải quyết khiếu nại của TANDTC mà có căn cứ khẳng định Quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
“Việc quy định cơ chế này cho phép Hội đồng Thẩm phán TANDTC tự xem xét lại quyết định của mình, không trái với quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 nhằm khắc phục những sai lầm, vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Qua tổng kết thực tiễn thi hành các quy định hiện hành cũng chưa phát sinh bất cập về quy định này”, ông Nguyễn Văn Hiện nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: “Hiến pháp quy định TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, nhưng qua giám sát, qua kiểm tra, qua dư luận xã hội, người ta thấy rằng quyết định của Hội đồng thẩm phán tối cao là cao nhất, nhưng vẫn oan, vẫn bị sai. Cả HĐTP tối cao, Chánh án, Viện trưởng qua giám sát của Quốc hội đều thừa nhận. Lúc đó bảo vệ công lý chỗ nào? Do đó phải có một thủ tục đặc biệt để xử lý trường hợp này”.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc HĐTP TANDTC tự xem lại quyết định của mình cũng không vướng quy tắc Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất. Bởi vì không có cơ quan nào ngoài tòa án để xử lý vấn đề này.
Mở rộng thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiến UBTP tán thành với quy định trong dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) về việc mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị (Điều 255 và Điều 259 dự thảo).
Tuy nhiên, việc sửa bản án, quyết định phải rất thận trọng, cần quy định chặt chẽ những trường hợp cụ thể như: chứng cứ trong hồ sơ đã được thu thập đầy đủ, rõ ràng hoặc việc sửa bản án, quyết định đó không gây thiệt hại về tài sản, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, người thứ ba hoặc lợi ích công cộng…
Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng, giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, chỉ tiến hành khi có những điều kiện cụ thể theo quy định của Luật TTHC và chỉ những chủ thể được quy định trong Luật TTHC mới có quyền kháng nghị. Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử thứ ba, đây là thủ tục xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (thủ tục phá án). Vì vậy, đề nghị không bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị./.