“Tôi không đồng ý đưa phạm nhân ra ngoài lao động”
VOV.VN - Quy định đưa phạm nhân ra ngoài trại giam lao động trong dự thảo Luật thi hành án hình sự không nhận được sự đồng ý của nhiều đại biểu Quốc hội.
Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, chiều nay (12/3), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi).
Nguy cơ bỏ trốn, cán bộ lạm dụng
Dự thảo luật quy định căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Bày tỏ không đồng tình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ tạo hình ảnh phản cảm, có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn cũng như tạo sự lạm dụng của cán bộ trại giam.
Về việc trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Luật này, theo ông Hồ Đức Phớc là không nên mà có thể tổ chức học nghề, sản xuất trong trại, ký hợp đồng bán sản phẩm.
Đại biểu Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc cho rằng “không tổ chức lao động thì không ai trông được số lượng lớn phạm nhân như thế”, nhưng hiện nay là lao động trong phạm vi trại giam dưới sự quản lý của cán bộ. Việc đưa ra ngoài lao động sẽ rất phức tạp và trên thực tế cũng trường hợp bỏ trốn, rồi hình ảnh phản cảm, tác động đến người dân xung quanh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga: "Tôi không đồng ý đưa hẳn phạm nhân ra ngoài lao động" |
“Nơi nào khó khăn thì đề nghị địa phương tạo điều kiện về đất đai để tổ chức lao động cho phạm nhân. Có phối hợp với doanh nghiệp thì cũng tổ chức lao động trong trại. Tôi không đồng ý đưa hẳn ra ngoài” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm.
Liên quan đến đề này, đại biểu Hoàng Văn Hùng – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Nguyên cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng vì đã là phạm nhân thì phải có sự khác biệt.
“Tội phạm được đưa vào trại là để cải tạo, có cách ly để thi hành án. Lao động của phạm nhân là trong trại giam, tại các điểm sản xuất... để tránh trốn trại, bảo đảm an toàn. Tôi không đồng tình cho phạm nhân ra lao động ở ngoài” – ông Hùng nêu quan điểm.
Mơ hồ về thi hành án với pháp nhân thương mại
Đại biểu Nguyễn Tạo - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng dẫn chiếu Bộ luật Hình sự đã điều chỉnh với pháp nhân thương mại, song dự thảo luật thi hành án hình sự sửa đổi lại chưa tương ứng, trong khi có rất nhiều vấn đề đặt ra khi xử lý một pháp nhân thương mại phạm tội.
Ngoài liên quan đến đời sống cán bộ, việc làm của người lao động thì với một pháp nhân hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực còn liên quan sự phối hợp của các cơ quan cấp phép, cơ quan chức năng trong thi hành án hình sự với pháp nhân.
“Pháp nhân hoạt động đa ngành đa lĩnh vực thì ngăn cái này họ vẫn hoạt động cái khác. Dự thảo thiết kế còn vênh nên khó khăn khi thi hành. Đối với con người vi phạm thì có giảm, có tha, vậy pháp nhân thì sao? Nói cấm 1 năm mà trong 3 tháng người ta khắc phục xong như về môi trường, san lấp, chấp hành xong hình phạt tiền.. thì mình phải giảm tương ứng chứ? Tại sao không có điều khuyến khích “lấy công chuộc tội” – ông Nguyễn Tạo đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Tạo: "Pháp nhân vi phạm có được "lấy công chuộc tội"? |
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cũng bày tỏ băn khoăn về quy định liên quan đến thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại. Bởi, quy trình, thủ tục không rõ trong khi hậu quả pháp lý chưa được đánh giá kỹ, nhất là có liên quan đến pháp nhân thương mại nước ngoài.
“Không chặt chẽ, cụ thể thì rất khó khăn, phức tạp” – đại biểu Hùng nhấn mạnh, bởi khi xử lý một pháp nhân thương mại liên quan đến đời sống, việc làm, chế độ chính sách, bảo hiểm... của người lao động.
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Nguyên cũng không đồng ý việc luật giao quá nhiều điều cho Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có hình thức cưỡng chế thi hành án. Ban soạn thảo cần nghiên cứu để cụ thể hoá trong luật để Quốc hội nghiên cứu, xem xét.
Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị dự án luật được thông qua tại 3 kỳ họp để đủ thời gian nghiên cứu, thiết kế và đảm bảo chất lượng và tính khả thi của dự án luật.
Nghiên cứu hình thức “tù tại gia”
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết các nước áp dụng bằng cách gắn chíp theo dõi phạm nhân. Nước ta có chế định tha tù trước thời hạn mỗi năm 3 lần, người cải tạo tốt vẫn được ra ngoài và bị bắt trở lại nếu vi phạm. Tuy nhiên, ý kiến “tù tại gia” cũng là cách cần tiếp tục nghiên cứu./.