Tổng Thư ký Quốc hội:Không có cơ sở ưu tiên ai khi lấy phiếu tín nhiệm
VOV.VN - Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, mọi đối tượng thuộc diện lấy phiếu sẽ được đánh giá công bằng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ kể từ đầu nhiệm kỳ.
Tại phiên họp 28 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu gương, không dự các lời mời dự tiệc trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo diễn ra chiều 18/10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc này thể hiện sự nêu gương của đảng viên, của lãnh đạo, tránh việc dự tiệc tùng vì có thể gây phản cảm và yêu cầu chấp hành nghiêm, nhất là kỳ họp này sẽ tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí chiều 18/10 |
Trước câu hỏi vì sao tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc đánh giá tín nhiệm là thông qua cả thời gian 3 năm, kể từ đầu nhiệm kỳ với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu do chưa đủ thời gian lấy phiếu).
Do đó, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc lấy phiếu tín nhiệm tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4.
“Đánh giá của đại biểu căn cứ vào theo dõi từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu sẽ hiểu ai làm tốt hay không tốt, rồi qua tiếp xúc cử tri, theo dõi hoạt động của từng đồng chí để có chính kiến” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh và cho biết toàn bộ hồ sơ báo cáo của đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới đại biểu Quốc hội theo thời gian quy định.
Liên quan đến các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thuộc diện phải lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, mọi đối tượng thuộc diện lấy phiếu sẽ được đánh giá công bằng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và “chẳng có cơ sở để ưu tiên ai”.
Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên có đặt vấn đề về việc thành viên thuộc văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội bị nhắn tin đe doạ, tống tiền, cụ thể là trường hợp của Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, ông đã yêu cầu báo cáo và tình hình đúng như báo chí phản ánh.
“Tôi đã có văn bản gửi Bộ Công an xác minh thông tin này” – Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định và cho biết thêm, một số người khác cũng nhận được tin nhắn tương tự từ lâu chứ không phải bây giờ mới có, trong đó có người đã nghỉ hưu./.
(Clip: Tổng Thư ký Quốc hội thông tin về việc thành viên văn phòng Đoàn ĐBQH bị nhắn tin đe doạ, tống tiền)
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn CPTPP tại Kỳ họp thứ 6