Trưởng Ban Dân nguyện: Phải xử lý nạn “tham nhũng vặt”
VOV.VN - Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri mong muốn là đạo đức công vụ, trách nhiệm thực thi công vụ của chính quyền cơ sở phải được chuyển biến.
Hôm nay (16/11), trước khi bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải sẽ trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Cử tri quan tâm xử lý tham nhũng
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhiều kiến nghị của cử tri được trả lời thấu đáo, rốt ráo, như liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu công tác thanh tra chuyên ngành, chồng chéo...
Cử tri phấn khởi khi trong thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được đưa ra xét xử nghiêm minh. Tuy nhiên, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với thực trạng. Đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng còn chưa triệt để. Do đó, cử tri mong muốn Chính phủ có biện pháp mạnh hơn.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Cử tri chưa hài lòng về xử lý "tham nhũng vặt" |
Nữ đại biểu Quốc hội cũng cho biết, cử tri cũng chưa được hài lòng trong xử lý các vấn đề liên quan đến “tham nhũng vặt”.
“Thủ tướng tuyên bố mạnh mẽ về Chính phủ liêm chính, kiến tạo nhưng cử tri phản ánh cơ quan công quyền thực thi công vụ cấp xã, cấp huyện tham nhũng, vòi vĩnh, nhũng nhiễu thì cử tri đánh giá Chính phủ thế nào? Thủ tướng rất quyết tâm nhưng tâm huyết ấy cần phải được lan tỏa mạnh hơn nữa, có chế tài kiểm tra tốt hơn để làm sao sức nóng ở trên lan tỏa xuống dưới” – bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Điểm căn bản mà cử tri mong muốn là đạo đức công vụ, trách nhiệm thực thi công vụ của chính quyền cơ sở phải được chuyển biến để xây dựng được Chính phủ liêm chính, hành động.
“Nạn “tham nhũng vặt” không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội, đạo đức con người” – Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Các “tư lệnh ngành” giải đáp vấn đề cử tri quan tâm
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, 4 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn đều là những vấn đề được cử tri quan tâm không chỉ trong kỳ họp này mà cả những kỳ họp trước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình |
Trong lĩnh vực tài chính, việc bố trí vốn, lập dự toán, thanh quyết toán là những vấn đề nổi lên thời gian vừa qua, nhiều công trình thiếu vốn... Vì vậy, việc lựa chọn lĩnh vực tài chính, ngân hàng để Quốc hội chất vấn là rất phù hợp.
Với ngành toà án, trong thời gian qua, các vụ án oan sai, bồi thường các vụ án oan sai... tạo nên dư luận. Nhân dân rất kỳ vọng vào hệ thống tư pháp, độc lập xét xử và đặc biệt là tính minh bạch, vì qua tập hợp ý kiến cử tri các tỉnh có rất nhiều đề nghị cung cấp thông tin những vụ án cụ thể.
“Phiên chất vấn là dịp để Chánh án TAND tối cao chia sẻ những khó khăn trong công tác xét xử, về nhân lực, vật lực... Đồng thời, Chánh án cũng đối diện với nhiều ý kiến của đại biểu phản ánh nguyện vọng của cử tri về chất lượng xét xử làm sao đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp các bên liên quan” – bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Còn với Bộ trưởng Bộ TT&TT, các vấn đề liên quan đến quản lý báo chí, an toàn thông tin, mạng xã hội và thậm chí đến sim “rác” đang tác động trực tiếp đến người dân, len lỏi vào đời sống nhân dân nên cử tri cần nghe người đứng đầu ngành đưa ra các giải pháp./.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Không “nề hà” trước chất vấn của đại biểu