Việc phân bổ nguồn vốn phục hồi kinh tế phải đảm bảo công bằng, không cào bằng
VOV.VN - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi giải trình việc phân bổ và quản lý, sử dụng thực hiện nguồn vốn từ các chính sách tài khóa và tiền tệ phục hồi, phát triển KT-XH.
Qua theo dõi thảo luận của đại biểu Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chiều 7/1, các thành viên Chính phủ đã giải trình đối với một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Đề nghị giữ nguyên thuế trong các giao dịch chứng khoán, bất động sản...
Về ý kiến của đại biểu kiến nghị tăng thuế trong các giao dịch chứng khoán, bất động sản, kinh doanh trên nền tảng số, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hạn chế tiêu dùng…, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay chuyển nhượng chứng khoán đổi với doanh nghiệp là thu 20% thuế thu nhập, đối với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán. Đối với bất động sản, thu nhập doanh nghiệp là 2% trên thu nhập và cá nhân là 2% trên giá trị hợp đồng bán từng lần.
Theo Bộ trưởng, hiện nay thị trường chứng khoán đang rất tốt, là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2021 đã huy động được 7,7 triệu tỷ, chiếm 92,5% so với GDP của năm 2021.
Vì thế “đề nghị giữ nguyên và tập trung để siết trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Đối với chuyển nhượng bất động sản giữa cá nhân yêu cầu nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế. Đối với nền tảng số, Bộ đang tập trung để đấu tranh và truy thu thuế trên nền tảng số không phân biệt là kinh doanh truyền thống hay nền tảng số”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
"Thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất còn ở ta yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là rất khó"
Làm rõ ý kiến của đại biểu và doanh nghiệp đối với vấn đề giảm lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung giảm nhanh 3 lần lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng và điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 là khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm khoảng 0,8%. Đặc biệt động viên, khuyến khích, kêu gọi các tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi vay và giảm phí. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm cả lãi và phí gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Theo nữ Thống đốc, trong bối cảnh lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và tăng lãi suất mà nền kinh tế của chúng ta đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất, là rất khó khăn. Tuy nhiên trong xây dựng chương trình phục hồi, Chính phủ cân nhắc đưa ra một giải pháp để hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ 0,5 - 1% lãi suất trong 2 năm. “Đây là giải pháp có thể nói là duy nhất trong chương trình này vì đối với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nguồn tiền từ ngân sách và từ Ngân hàng Trung ương, nhưng ở đây giải pháp là nguồn lực tài chính là của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, bà Hồng giải thích.
Chính phủ đã tính toán rất kỹ về quy mô tổng thể chính sách tài khóa tiền tệ
Giải đáp băn khoăn của đại biểu về quy mô tổng thể chính sách tài khóa tiền tệ và phương thức huy động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đề xuất quy mô tổng thể và phương thức lộ trình huy động giải ngân các nguồn vốn cho từng năm đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, năm 2022 sẽ thực hiện và giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại sẽ thực hiện và giải ngân trong năm 2023.
Để việc phân bổ và quản lý, sử dụng thực hiện nguồn vốn từ các chính sách tài khóa và tiền tệ được thực hiện một cách hiệu quả, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tới việc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện nay, nhất là đối với chính sách tài khóa. Ngoài ra, phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ của chương trình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở quan điểm, mục tiêu của chính sách, Chính phủ đã nghiên cứu và đề xuất hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ nhu cầu tăng trưởng phát triển bền vững lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế; chính sách tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần thiết trước mắt để đảm bảo nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với nâng cao năng lực hiện đại hóa các trung tâm chuyên sâu CDC cấp vùng, bệnh viện, viện tuyến Trung ương, hỗ trợ nâng cao năng lực giải quyết việc làm, đào tạo lao động của khối ngành du lịch… Tiếp đó là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các cửa khẩu phía Đông Bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế…
“Việc phân bổ nguồn vốn cũng bảo đảm hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới cho phát triển, đảm bảo công bằng nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, ưu tiên ngành, lĩnh vực có tính lan tỏa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.