Vietcombank đề xuất được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước 20.695 tỷ đồng
VOV.VN - Chiều 24/9, cho ý kiến về chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết, mức vốn và phương án bổ sung vốn Nhà nước tại VCB như trong Tờ trình của Chính phủ.
VCB đề xuất được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước 20.695 tỷ
VCB đề xuất được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước với số tiền 20.695 tỷ đồng. Căn cứ quy định tại Điều 17 Luật 69/2014/QH13. Với mức vốn Nhà nước đầu tư bổ sung này, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định đầu tư vốn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng VCB thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại (sau thuế, sau trích lập các quỹ và sau khi đã chi trả tiền mặt) lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021, Chính phủ đã có Tờ trình số 421/TTr-CP ngày 11/9/2024 báo cáo Quốc hội về nội dung này.
Theo bà Hồng, việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 là phù hợp với chủ trương được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đồng thời, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ.
“Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; giúp VCB có tiềm lực để thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ lãi suất và nghĩa vụ với NSNN (Kết quả thực hiện các chính sách chi tiết tại Phụ lục 01 đính kèm). Đây là điều kiện cần thiết để VCB có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói.
Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn điều lệ tăng thêm, phần vốn dự kiến sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc (9.526 tỷ đồng), đầu tư cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số (17.155 tỷ đồng); mở rộng hoạt động kinh doanh (985 tỷ đồng.
Nêu đánh giá tác động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VCB sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội: “VCB mở rộng hoạt động tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của VCB trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như phát triển các lĩnh vực ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định nền kinh tế; tăng hiệu quả hoạt động và tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm”.
Đưa chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại VCB vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8
Nêu báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB với lý do đã nêu trong Tờ trình.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng thời, đề nghị báo cáo, làm rõ hơn số liệu lợi nhuận còn lại số lẻ của các năm 2016, 2017, 2018; việc sử dụng nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ của các năm 2019, 2020 và dự kiến việc sử dụng nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế của các năm 2022, 2023. Bổ sung thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài (là Ngân hàng Mizuho Corporate Bank hiện đang nắm giữ 15% vốn điều lệ của VCB), bảo đảm sự đồng thuận, khả thi trong quá trình thực hiện tăng vốn điều lệ.
Đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với hiệu quả của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB, trong đó có tác động tới chính VCB, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế-xã hội của việc đầu tư vốn…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí việc đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tương tự như trường hợp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV). Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, kiến nghị nội dung cụ thể đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp để báo cáo Quốc hội quyết nghị, trong đó nêu rõ Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB.
Theo số liệu báo cáo tài chính riêng lẻ đã kiểm toán, tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của VCB trong giai đoạn 5 năm (2019-2023) như sau:
Tổng tài sản tăng trưởng với mức bình quân từ 10,6%/năm đến 14,6%/năm; Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 là 0,99%; Lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 26%/năm. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, vốn chủ sở hữu (ROA, ROE) bình quân ở mức xấp xỉ ở mức 1,6% và 23%. Nhiều năm gần đây, VCB được Chủ sở hữu (NHNN) đánh giá xếp loại A (Chi tiết tại Phụ lục số 02 đính kèm).
Theo báo cáo của VCB, tỷ lệ An toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của VCB tại 31/12/2023 là 11,05%, CAR hợp nhất của VCB là 11,39%. Tỷ lệ này hiện đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 138 Luật Các TCTD. Tuy nhiên, tính toán này bao gồm cả phần lợi nhuận mà VCB đang giữ lại sau khi đã nộp thuế và trích lập các quỹ luỹ kế đến 2018 và giai đoạn 2021-2023 (Nếu phải chia cổ tức bằng tiền mặt đối với nguồn lợi nhuận này thì tỷ lệ CAR giảm xuống mức 6,28%, thấp hơn mức quy định của Luật các TCTD). Đây vẫn đang là mức thấp so với các NHTM cổ phần ở Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á.