Ý kiến Đại biểu về phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát
VOV.VN -Bộ trưởng trả lời có trách nhiệm tuy nhiên quan trọng là việc thực hiện các giải pháp sao cho hiệu quả mới quan trọng.
Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này. Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng tập trung vào việc tái cơ cấu nông nghiệp và quản lý chất lượng nông sản.
Phóng viên VOV ghi lại ý kiến của đại biểu Quốc hội về chất lượng phiên chất này.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh): Phải quan tâm đến hỗ trợ trước mắt cho nông dân là gì?
Trong văn bản trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, những giải pháp đưa ra đã mang tính định hướng tổng hợp lâu dài, nhưng theo tôi những vấn đề trước mắt thì chưa rõ ràng. Hiện nay, người nông dân đang trông đợi vấn đề gì giúp họ sản xuất có lãi và theo đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì những định hướng sắp tới như phê duyệt, quy hoạch thì rất dài.
Điều tôi muốn nói là những việc trước mắt như hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân là gì? Dự án lãi suất tiền vay kéo dài chu kỳ ra để người dân có khả năng lưu trữ, tạm trữ liệu có được giải quyết hay không? Hay việc cung cấp các loại giống mới, hướng dẫn khoa học kỹ thuật… Theo tôi, những việc trước mắt để giúp đỡ người nông dân thì chưa thấy Bộ trưởng đề cập và chỉ toàn định hướng. Như vậy cũng tốt, nhưng định hướng tới đâu và tới thời điểm nào thực hiện thì cũng cần phải có lộ trình cụ thể.
Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: “Có những nội dung chưa thật sự thỏa mãn mong đợi của cử tri”.
Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về chủ trương mua lúa gạo tạm trữ và được bộ trưởng trả lời bằng văn bản. Theo Bộ trưởng thì việc giải quyết vẫn chỉ là giải pháp tình thế và việc trợ giá cho người nông dân theo bộ trưởng nói tăng, tuy nhiên vẫn chưa rõ. Về giải pháp tình thế, theo tôi người hưởng lợi nhiều chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp và chưa chia sẻ được cho người nông dân hưởng.
Qua các ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, có những nội dung tôi thấy chưa thật sự thỏa mãn mong đợi của cử tri và một số câu hỏi ĐBQH đặt ra.
Xung quanh vấn đề trồng rừng, không riêng gì việc trồng cao su mà trong các lần thảo luận trước chúng tôi đã kiến nghị nhiều về việc buộc phải di dời dân và xóa bỏ rừng để làm thủy điện. Những cánh rừng bị phá bỏ hầu hết là rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn và theo quy định phải trồng mới lại. Nhưng trong báo cáo của thủy điện đến thời điểm này mới chỉ trồng được 3% rừng. Chúng tôi chia sẻ và thấy là mức độ thực hiện như vậy chưa đạt yêu cầu.
Nhiều ĐBQH đã kiến nghị về trách nhiệm của Bộ trưởng kết hợp với các bộ chuyên ngành liên quan đến làm thủy điện để tiến hành việc trồng rừng. Khi nơi đó không còn đất trồng rừng, phải chuyển nguồn vốn này để trồng ở các vùng ven biển để chống xói lở đất do nước biển dâng. Nhưng đương nhiên phải ưu tiên việc trồng rừng ngay tại nơi đã phá bỏ để làm thủy điện. Nếu không bù lại được, Bộ Nông nghiệp và PTNT phải có trách nhiệm chỉ ra những chỗ còn diện tích đất trồng rừng và theo tôi đất ven biển còn rất nhiều, đồng thời việc trồng rừng cũng còn đang thiếu vốn.
Đại biểu Đặng Thị Kim Liên (đoàn Yên Bái): Phải chờ xem các giải pháp được thực hiện thế nào!
Qua ý kiến chất vấn của các ĐBQH đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, tôi thấy Bộ trưởng trả lời rất sát với thực tế và những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; đưa ra được những giải pháp căn cơ trong phát triển sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn chờ xem việc thực hiện những giải pháp này như thế nào.
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên): Bộ trưởng trả lời có trách nhiệm!
Cách trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát rõ ràng và theo tôi, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất khó. Nhất là trong thời điểm kinh tế thế giới đang khó khăn thế này, thì việc trả lời chất vấn như thế nào, theo tôi không phải là vấn đề cần quan tâm. Tôi quan tâm là sắp tới Bộ trưởng điều hành những giải pháp để vượt qua khó khăn như thế nào, để đảm bảo đời sống của người nông dân, để ngành nông nghiệp phát triển mới là cần thiết.
Về những chính sách chung, theo tôi Bộ trưởng trả lời như thế là có trách nhiệm và rõ ràng, với tinh thần cầu thị sẽ tiếp thu để có những cơ chế, chính sách thỏa đáng, đáp ứng nguyện vọng của người nông dân. Tôi mong rằng, Bộ trưởng với vai trò tham mưu của mình phải quyết liệt hơn và phải có được những chính sách nhanh hơn, hiệu quả hơn để giúp người nông dân thoát khỏi khó khăn và đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển theo hướng bền vững./.