Rút ngắn khoảng cách địa lý, đưa hợp tác Việt Nam-Romania lên tầm cao mới
VOV.VN - Chuyến thăm Romania của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có ý nghĩa quan trọng, đưa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống 2 nước đi vào chiều sâu.
Nhân chuyến thăm chính thức Romania của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phu nhân, Đại sứ Việt Nam tại Romania Trần Thành Công đã có cuộc trả lời phỏng vấn về ý nghĩa của chuyến thăm và triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam-Romania.
VOV xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
Đại sứ Trần Thành Công tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Tỉnh Constanta.
PV: Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm chính thức lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phu nhân?
Đại sứ Trần Thành Công: Nhận lời mời của Chính phủ Romania, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phu nhân sẽ thăm chính thức Romania từ ngày 6-7/7/2018.
Chuyến thăm có ý nghĩa chính trị quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, đưa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa, đáp ứng lợi ích và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Trải qua 68 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được hai bên không ngừng vun đắp và phát triển. Nhân dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ mà nhân dân và Chính phủ Romania đã dành cho Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Thời gian qua, Romania đã ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 -2016 và gia nhập Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO).
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế hai nước đều có những bước phát triển vượt bậc, năm 2017 tăng trưởng kinh tế của Romania đạt hơn 7%, cao nhất trong EU, trong khi đó, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khá khả quan như tăng trưởng đạt hơn 6,81%, đạt và vượt 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở đó, có thể nói chuyến thăm lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ là dịp kết nối hai nền kinh tế của hai nước, rút ngắn khoảng cách về địa lý, bổ trợ lẫn nhau và đưa hợp tác Việt Nam – Romania lên một tầm cao mới.
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam – Romania trong thời gian qua?
Đại sứ Trần Thành Công: Mối quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa hai nước chúng ta vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội ở mỗi nước.
Quan hệ chính trị tin cậy và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố. Hai bên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc ở cấp cao, tăng cường trao đổi đoàn ở cấp Bộ, ngành, thể hiện sự đa dạng quan hệ hợp tác song phương, tạo cơ sở thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại hiệu quả. Tăng cường hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Romania
Bên cạnh đó, hai nước tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau tích cực trên trên trường quốc tế và tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM). Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch luân phiên EU nửa năm đầu 2019, Romania sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước EU, và Việt Nam sẽ nỗ lực hỗ trợ tăng cường mối quan hệ giữa Romania và ASEAN.
Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã đạt được nhiều bước phát triển đáng kể, như xuất khẩu của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2018 sang Romania đạt hơn 42 triệu USD, tăng 24,43% so với cùng kỳ 2017.
Bên cạnh đó, tôi tin rằng cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế lần thứ 16 tại Bucharest dự kiến sẽ được tổ chức vào Qúy III/2018 sẽ là đòn bẩy hỗ trợ các hoạt động hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, việc bãi bỏ phần lớn thuế nhập khẩu trong tương lai theo khuôn khổ Hiệp định EVFTA (dự kiến có hiệu lực trong năm 2018) sẽ mang lại những lợi thế quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh và tỷ trọng xuất khẩu hàng Việt Nam sang châu Âu nói chung và sang thị trường Romania nói riêng sẽ gia tăng.
Các doanh nghiệp hai nước đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh, đặc biệt đầu năm 2018 đã có Công ty đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội sang tìm kiếm khả năng đầu tư chế biến nông sản để xuất khẩu vào thị trường EU; Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã ký kết thành công với 1 doanh nghiệp
Romania thành lập liên doanh xây dựng nhà ở; Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu cung cấp lao động vào thị trường Romania, trong vòng một năm tăng gấp 5 lần, từ 300 lao động lên gần 1500 lao động, mở ra một hướng mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Đại sứ Trần Thành Công thăm nhà máy đóng tàu hỏa tại tỉnh Arad. |
Hợp tác giữa địa phương hai nước được tăng cường thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương hai nước như Hà Nội – Bucharest, Đà Nẵng – Timisoara, Lào Cai – Hunedoara, Iasi – Huế; đặc biệt mối quan hệ giữa hai tỉnh Tulcea– Bến Tre đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như hàng năm hai tỉnh đã trao đổi đoàn lẫn nhau, cũng như cùng phối hợp kêu gọi EU tài trợ các dự án chung.
Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo luôn nhận được sự quan tâm thúc đẩy từ lãnh đạo cấp cao hai nước. Năm 2016, nhân chuyến thăm của cựu Thủ tướng Romania Dacian Ciorlos, hai bên đã ký mới Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, theo đó phía Romania đã nâng từ 10 suất lên 20 suất học bổng hàng năm cho Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Romania đã giúp đào tạo cho Việt Nam hơn 3000 sinh viên, nghiên cứu sinh ở các lĩnh vực khác nhau.
Giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng được thúc đẩy và phát triển không ngừng, trong đó có sự đóng góp đặc biệt của hai Hội hữu nghị Việt Nam –
Romania và Romania – Việt Nam, cũng như vai trò quan trọng của Cộng đồng người Việt tại Romania. Họ thực sự là cầu nối quan trọng trong sự nghiệp phát triển mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam-Romania, các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh để tăng cường hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới?
Đại sứ Trần Thành Công: Tình hình thế giới hiện nay biến đổi nhanh và đặt ra nhiều thách thức. Với cơ sở mối quan hệ chính trị thuận lợi, có bề dầy lịch sử 68 năm quan hệ ngoại giao, hai nước cần phát huy tối đa sức mạnh của sự hợp tác truyền thống, tăng cường trao đổi đoàn ở tất cả các cấp, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gặp Phó Thủ tướng Romania
Ngoài ra, chúng ta nên thúc đẩy và mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác: kinh tế - thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch, nông nghiệp và lao động. Đây là những lĩnh vực trọng tâm, là cơ sở quan trọng để không ngừng tăng cường và củng cố sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nước. Trong thời gian tới, hợp tác giữa hai nước sẽ được thúc đẩy theo những hướng lớn như sau:
Một là, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Romania tích cực thúc đấy phát triển thương mại lên một “nấc thang mới”, trên cơ sở thị trường hai nước không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, đều có nhu cầu tiêu dùng lớn về các sản phẩm bình dân và hai nước hiện đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, cũng có thể tính đến việc Hiệp định EVFTA sắp được thông qua trong thời gian tới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận thị trường, thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà phân phối địa phương, xây dựng lòng tin đối với đối tác, tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm, đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác liên doanh sản xuất hàng xuất khẩu với các đối tác Romania. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam đạt được các mục tiêu trên, cơ quan xúc tiến thương mại hai nước cần tích cực phối hợp chặt chễ trên nhiều hoạt động khác nhau như cung cấp thông tin thị trường, đối tác, giúp tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm…
Hai là, Chính phủ hai nước cần dành các điều kiện ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp tiên phong sang tìm hiểu thị trường, nắm bắt cơ hội đầu tư lẫn nhau.
Ba là, để tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ EU dành cho lĩnh vực nông nghiệp, là thế mạnh của cả hai nước chúng ta, hai bên có thể nghiên cứu khả năng liên doanh thành lập công ty sản xuất và chế biến đặc biệt về nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất rượu vang, chế biến nông sản thực phẩm…để xuất khẩu sang nước thứ ba. Đồng thời, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững cũng sẽ giúp nâng cao đời sống nhân dân của cả hai nước ở khu vực nông thôn.
Bốn là, nhằm bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay tại thị trường Romania, mà Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ và có kỹ năng, do đó tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy hợp tác về lao động giữa hai nước chúng ta.
Trên cơ sở các ưu tiên hợp tác kinh tế nói trên, tôi tin tưởng rằng chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tạo thêm những điều kiện thuận lợi, cơ hội và lực đẩy để chúng ta cùng nhau đề ra những biện pháp mới, cách thức hợp tác mới, đưa quan hệ hai nước phát triển hiệu quả, bền vững hơn nữa./.