Sẽ có nhiều tuyên bố quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng New Zealand
VOV.VN - Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam, diễn ra từ ngày 14-17/11.
"Nhiều tuyên bố quan trọng trong nhiều lĩnh vực sẽ được công bố trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern diễn ra từ ngày 14-17/11”. Đây là khẳng định của Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson khi chia sẻ với báo chí mới đây về ý nghĩa, trọng tâm của chuyến thăm cũng như triển vọng quan hệ hai nước Việt Nam - New Zealand thời gian tới.
PV: Trước hết, Đại sứ có thể cho biết tầm quan trọng của chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Jacinda Ardern?
Đại sứ Tredene Dobson: Chuyến thăm của Thủ tướng Jacinda Ardern là một minh chứng cho thấy mối quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và New Zealand. Trong 2 năm vừa qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chúng ta tự hào vẫn duy trì được đà phát triển này. Đặc biệt, hai bên vẫn duy trì các chuyến thăm viếng ở các cấp. Như chuyến thăm New Zealand của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn diễn ra chỉ một tháng sau khi New Zealand dỡ bỏ hạn chế biên giới, cho thấy cả hai bên đều tận dụng tối đa các cơ hội khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2020. Bản thân quan hệ Đối tác Chiến lược được xây dựng trên cơ sở hợp tác toàn diện ở nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại - kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, quốc phòng và an ninh, phát triển và giao lưu nhân dân. Vì thế, chuyến thăm là cơ hội quan trọng để Thủ tướng Ardern tái khẳng định nền tảng vững chắc này.
Sau đại dịch Covid-19, chuyến thăm cũng là một cơ hội quan trọng để hai nước tái kết nối và phục hồi, đặc biệt về kinh tế - thương mại, du lịch. Để thực hiện mục tiêu này, tháp tùng Thủ tướng Ardern trong chuyến thăm lần này là phái đoàn doanh nghiệp New Zealand lớn nhất từ trước tới nay, bao trùm nhiều lĩnh vực có tiềm năng hợp tác đầu tư với Việt Nam. Xin tiết lộ trong chuyến thăm lần này, chúng tôi sẽ tổ chức một số sự kiện thể hiện sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp giữa hai nước, đó là các sự kiện “Đối thoại Doanh nghiệp New Zealand-Việt Nam và Đối thoại và Triển lãm AgriConnectioNZ: Đối tác Chiến lược trong Nông nghiệp”. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu của hai nước chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường giao lưu thương mại, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người nông dân hai nước.
PV: Vậy Đại sứ kỳ vọng gì vào chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Jacinda Ardern, đồng thời đánh giá như thế nào về những thành tựu hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, đặc biệt là 2 năm sau khi Việt Nam - New Zealand nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2020?
Đại sứ Tredene Dobson: Tất cả chúng ta đều đặt kỳ vọng rất lớn vào chuyến thăm này, nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ New Zealand - Việt Nam. Tôi cũng xin tiết lộ một chút là sẽ có những tuyên bố quan trọng được nêu ra trong chuyến thăm lần này. Đó là những hợp tác mới về nông nghiệp - lĩnh vực cả hai nước quan tâm; hay các lĩnh vực như giáo dục, hàng không, du lịch và thể thao, đặc biệt là chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi với tư cách là đối tác viện trợ sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Hay như trong nông nghiệp, New Zealand cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải khí mê-tan. Tất nhiên, chi tiết sẽ được Thủ tướng và các Bộ trưởng hai nước công bố trong khuôn khổ chuyến thăm.
Nhìn lại thời gian qua, quan hệ song phương giữa hai nước đã có những bước tăng trưởng vượt bậc bất chấp đại dịch. Cụ thể như trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác mới giữa các trường của New Zealand và cơ sở giáo dục Việt Nam, tạo cơ hội cho học sinh - sinh viên sang New Zealand học tập. Về viện trợ phát triển, chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa đối với các cộng đồng người yếu thế, như người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, người khuyết tật... Tôi rất tự hào trong thời gian khó khăn nhất của đại dịch, mối liên hệ giữa hai bên càng thêm bền chặt. New Zealand đã đầu tư gần 2,2 triệu NZ$ kể từ tháng 6/2020 để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với Covid-19.
Đáng chú ý nữa là năm ngoái, một trong những dự án hợp tác thành công nhất với Việt Nam là thương mại hóa các giống thanh long mới, không chỉ nâng cao giá trị cho quả thanh long Việt Nam mà còn góp phần phát triển khoa học nông nghiệp của các bạn lên tầm thế giới. Về quan hệ thương mại, trong 5 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 59% - đạt 2,39 tỷ NZ$ tính đến cuối tháng 6/2022. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand. Ngoài ra, hai bên vẫn tiếp tục hợp tác về nhiều mặt, từ chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, duy trì trao đổi đoàn ở tất cả các cấp.
PV: Đại sứ chia sẻ sẽ có một đoàn doanh nghiệp lớn chưa từng có của New Zealand tháp tùng Thủ tướng lần này. Vậy Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD vào năm 2024?
Đại sứ Tredene Dobson: Một trong những lợi thế trong hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước là Việt Nam và New Zealand đều là hai nền kinh tế rất mở, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Chúng ta đều là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do lớn gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cũng như hợp tác cùng nhau trong các khuôn khổ khu vực như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Diễn đàn Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), và sắp tới là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Những kết nối kinh tế song phương và đa phương sâu rộng này sẽ đảm bảo hai nước duy trì chuỗi cung ứng và giảm bớt các rào cản đối với thương mại quốc tế.
New Zealand là một thị trường tự do và rộng mở, chúng tôi biết lợi ích từ việc khai thác các sản phẩm, kỹ năng và chuyên môn do các đối tác thương mại mang lại. Việt Nam với năng lực sản xuất có tiếng chính xác là điều chúng tôi cần. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng hiểu rõ điều đó. Mặc dù dân số của New Zealand chỉ có 5 triệu người so với con số 98 triệu của Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam thực sự được hưởng thặng dư thương mại ở New Zealand. Tôi muốn thấy sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp hai nước và sẽ hỗ trợ tốt nhất trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Nếu chúng ta cùng nhận thức rõ được tiềm năng cho các doanh nghiệp hai nước, chúng ta sẽ không chỉ đạt được mục tiêu 2 tỷ USD (khoảng 3,2 tỷ NZ$) kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2024, mà chúng ta thậm chí sẽ vượt con số này./.
PV: Trân trọng cám ơn Đại sứ về cuộc trao đổi này!/.