Sẽ lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định áp thuế với phân bón
VOV.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dù đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, song qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 còn nhiều ý kiến khác nhau, nên cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Sáng 14/11 tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận của đại biểu tại hội trường ngày 29/10, Thường trực Ủy ban đã tổ chức buổi làm việc với Cơ quan soạn thảo và đã cùng thống nhất phương án xử lý một số nội dung trong dự thảo.
Cụ thể, về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tại Hội trường vẫn có một số ý kiến chưa thống nhất về nội dung này, vì vậy, Thường trực Uỷ ban thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quóc hội cho ý kiến về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.
Các ý kiến thảo luận nhấn mạnh, dù hai cơ quan thẩm tra và soạn thảo đã có sự thống nhất, nhưng là vấn đề nhận được sự quan tâm khi thảo luận nên cần lấy ý kiến đại biểu cung cấp đầy đủ thông tin, làm rõ băn khoăn của đại biểu để tạo sự đồng thuận.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh Quốc hội quyết định theo đa số nên sẽ lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.
Cơ quan thẩm tra cũng nêu 5 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đó là Quy định không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào; mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; sản phẩm cung cấp trên nền tảng số không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu; về thuế suất 0% đối với nhóm hàng hóa cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khác; về việc không hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu.
Cụ thể như mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT (khoản 25 Điều 5), ông Mạnh cho biết, dự thảo sau tiếp thu, chỉnh lý đã quy định mức ngưỡng 200 triệu đồng/năm. Chính phủ đề nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7, theo đó, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế để bảo đảm kịp thời điều hành phù hợp với thực tiễn và bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi.
Các ý kiến thảo luận tại Hội trường không đề nghị giao Chính phủ quy định mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; có ý kiến đề nghị nâng mức ngưỡng doanh thu này lên trên mức 200 triệu, có ý kiến đề nghị mức trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng cho những năm tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Quốc hội chỉ quyết những gì thuộc thẩm quyền, còn nội dung nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì giao Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm.
Với nội dung Chính phủ có ý kiến khác giữa các lần trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chính phủ cần có văn bản báo cáo cụ thể để đảm bảo sự thống nhất, thu hẹp các nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Về các nội dung qua thảo luận còn ý kiến khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, đồng thời giải trình rõ, khách quan để tạo sự đồng thuận.
Theo chương trình, dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 26/11 tại Kỳ họp thứ 8.