Tái cơ cấu nền kinh tế cần quyết liệt hơn
(VOV) - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, tiến độ tái cơ cấu diễn ra khá chậm và chưa có bước đột phá.
Sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; Tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.
Các ý kiến đều cơ bản nhất trí với báo của Chính phủ, tuy nhiên cho rằng nhiều nội dung trong báo cáo cần được làm rõ thêm.
Tái cơ cấu còn chậm
Nhiều ý kiến cho rằng, tái cấu trúc nền kinh tế trên 3 lĩnh vực cơ bản: Các ngân hàng thương mại; các doanh nghiệp nhà nước (tập đoàn, tổng công ty); đầu tư công đã được đề cập từ năm 2011, song đến nay tiến độ diễn ra khá chậm.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng với việc triển khai chậm như hiện nay, thì đến năm 2013, chúng ta vẫn chưa có bước đi rõ ràng và khó để tạo tính đột phá.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đề nghị, tái cơ cấu nền kinh tế cần làm khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả hơn. Có như vậy mới tiến tới làm cho các nguồn lực hiện có được sử dụng hiệu quả, đưa nền kinh tế phát triển, tăng trưởng bền vững và có sức cạnh tranh tốt.
Theo đại biểu, tăng trưởng kém có phần do tái cơ cấu đầu tư chưa tốt, nhiều công trình bị đình trệ, gây lãng phí rất lớn. Đại biểu đề nghị tới đây cần tập trung đầu tư cho những công trình trọng điểm.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị báo cáo của Chính phủ làm rõ: “Tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu phần trăm và lộ trình phải xử lý là như thế nào? Tại sao chúng ta không xác định rõ ràng làm quyết liệt để năm tới giảm nợ xấu bao nhiêu?”.
Băn khoăn về tỷ lệ hộ nghèo
Ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong tình hình hiện nay là những thách thức thực sự. Các đại biểu đều bày tỏ thông cảm và cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, trong những nguyên nhân khiến cho một số mục tiêu, chỉ tiêu không đạt được có phần quản lý, thực hiện chưa tốt.
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) bày tỏ, trong điều kiện khó khăn nhưng Báo cáo của Chính phủ cho biết đạt 10/15 chỉ tiêu là điều đáng mừng. Việc nêu cụ thể 5 chỉ tiêu không đạt thể hiện rõ quan điểm nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp tháo gỡ.
Tuy nhiên, theo đại biểu, 5 chỉ tiêu không đạt cần phải được làm rõ nguyên nhân, trong đó có tỷ lệ hộ nghèo: “Sau mấy chục năm, lần đầu tiên chúng ta nói không đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tiền không thiếu, biện pháp đầy đủ, chính sách và quyết tâm mạnh mẽ, ai cũng muốn dân bớt nghèo nhưng sao không làm được?”
Đề cập tỷ lệ thất nghiệp, có đại biểu nhấn mạnh, nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, đình trệ sản xuất dẫn đến người lao động mất việc là rất nhiều, cuộc sống bị ảnh hưởng. Điều này đã được thể hiện rất rõ và khó khăn vẫn còn phía trước nên chúng ta không nên quá lạc quan.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nêu số liệu chỉ có 20% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có phát sinh kê khai thuế, tức 80% số doanh nghiệp còn lại “bất động”. “Vậy người lao động đi đâu khi doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Đề cập đến một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, bên cạnh Chính phủ, các bộ ngành, sự vào cuộc của nhiều địa phương còn chưa chủ động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu.
Theo đại biểu, các chỉ tiêu không đạt có phần do giải ngân chậm. Nhưng đáng lẽ các địa phương cần chủ động vào cuộc hơn nữa, bám sát quan điểm chỉ đạo vĩ mô để hành động thì hiệu quả sẽ cao hơn, lộ trình phù hợp. Hiệu quả thực hiện ở một số địa phương khác nhau thể hiện rõ điều đó./.