Tăng cường hành động vì tầm nhìn chung APEC
VOV.VN -Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực tham gia và đóng góp thiết thực vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Tham dự Tọa đàm “Cùng tăng cường hành động vì một tầm nhìn chung APEC” tại Hà Nội sáng 16/12, đại diện của Việt Nam khẳng định, từ khi tham gia vào APEC năm 1998, hình ảnh và vị thế của Việt Nam được nâng cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch…
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đều đánh giá cao sự đóng gọp tích cực của Việt Nam và các chương trình hoạt động của APEC, đồng thời trao đổi kinh nghiệm về công tác chuẩn bị, tổ chức Năm Việt Nam APEC 2017.
Ông Luis Tsuboyama – Đại biện Đại sứ quán Peru tại Hà Nội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc mở rộng thị trường thực phẩm khu vực. Ông đề cập một số giải pháp để phát triển thị trường này thông qua áp dụng tiêu chuẩn thực phẩm, đẩy mạnh chuỗi cung cấp và nâng cao giá trị toàn cầu, cải thiện năng suất lao động, tăng cường tiếp cận với những thị trường tiềm năng chưa được khai thác, đồng thời hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Đại diện các nền kinh tế thành viên APEC tham dự Tọa đàm |
Ông Pedrosa Eduardo – Tổng Thư ký Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương chỉ ra một số rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế khu vực, trong đó có suy thoái kinh tế của Trung Quốc, việc triển khai chưa hiệu quả của các chương trình tái cấu trúc kinh tế ở 1 số quốc gia thành viên APEC, sự thiếu hụt lao động có tay nghề, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng…
Để đẩy mạnh đà tăng trưởng, theo ông Pedrosa Eduardo, các thành viên APEC cần cải cách chính sách, đầu tư vào phát triển công nghệ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xúc tiến xuất khẩu sang các nước phát triển, tăng cường tự do hóa thương mại và kích cầu tiêu dùng.
Tổng thư ký Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cũng bày tỏ lo ngại về an ninh lương thực trong khu vực. Ông cho rằng, các nước cần phải tăng sản xuất thực phẩm thêm 70% từ nay đến năm 2050 và tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 - nhấn mạnh, tham gia APEC, Việt nam đã tranh thủ được một thị trường chiếm 47% thương mại, 57% GDP toàn cầu, với mức thuế suất ngày càng giảm theo lộ trình tự do hóa thương mại trong khu vực. Hầu hết các đối tác kinh tế hàng đầu của Việt nam đều là các nền kinh tế thành viên của APEC.
Hiện nay, khoảng 68% kim ngach xuất khẩu, 83 kim ngạch nhập khẩu và 82% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Tổ chức này đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nam hội nhập với cộng đồng doanh nghiệp thế giới.
Về công tác triển khai Năm APEC 2017 do Việt Nam đăng cai, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam coi đây là một nhiệm vụ đối ngoại quan trọng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Với kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều hội nghị của APEC, Việt Nam sẽ làm tốt nhiệm vụ đăng cai sự kiện ngoại giao sắp tới.
Việt Nam đã thành lập các tiểu ban chính và nhiều tiểu ban phụ như hậu cần, văn hóa, thông tin, y tế, an ninh… để làm tố công tác chuẩn bị phục vụ Năm APEC 2017.
“Chúng tôi đặc biệt tập trung vào sự phối kết hợp với các nền kinh tế thành viên APEC, và buổi Tọa đàm lần này cũng thể hiện một trong những nỗ lực đó của phía Việt Nam,” Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói./.