Tăng cường thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án tham nhũng
VOV.VN -Công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu làm ảnh hưởng xấu, giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Chiều 17/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Đoàn kiểm tra số 1 do ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao về Công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. |
Trong thời gian qua, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao đã kịp thời tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, trong đó có công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, đã chỉ đạo kịp thời công tác tổ chức xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.
Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, yêu cầu của việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt ngày càng được quan tâm, chú trọng. Nhiều vụ án lớn, qua xét xử đã thu hồi được phần lớn số tiền bị thiệt hại, chiếm đoạt về cho Nhà nước như vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm, vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm…
Quá trình xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, cấp giám đốc thẩm, tái thẩm đã thực hiện tốt vai trò khi quyết định hủy quyết định kê biên không có căn cứ tại Tòa án cấp phúc thẩm, khắc phục kịp thời các sai sót của cấp phúc thẩm.
Hầu hết các cuộc kiểm tra, giám sát do Ban cán sự đảng hoặc các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tiến hành đều có nội dung liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong kỳ, Tòa án Nhân dân tối cao đã tiến hành gần 190 cuộc kiểm tra, giám sát; kiểm tra 4.534 hồ sơ vụ án/6.358 bị cáo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, việc kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng là hoạt động thường xuyên hàng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Trong những năm gần đây, công tác phát hiện xử lý hành vi tham nhũng của cả hệ thống chính trị đã có những chuyển biến tích cực được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản tham nhũng lại chưa đáp ứng được yêu cầu làm ảnh hưởng xấu, giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. |
Phó Thủ tướng cho rằng thông qua đợt kiểm tra này sẽ giúp cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đánh giá đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân, chỉ ra những cơ chế chính sách còn thiếu, bất cập để kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, đối với nhũng vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng, Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao cần tiếp tục nghiên cứu để có ý kiến chính thức kiến nghị với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ.
“Sau khi báo cáo chính thức của Đoàn được ban hành, Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao cần có kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả các kiến nghị của Đoàn, nhất là việc liên quan đến trách nhiệm hướng dẫn công tác xét xử, liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng. Sớm trả lời một số kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự tạo điều kiện sớm nhất để đưa việc thi hành phần thi hành bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến tài sản tham nhũng”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh./.