Tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong sử dụng đất

(VOV) -Nhiều ý kiến khác nhau về quy định điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Tránh tạo cơ chế “xin-cho”

Khoản 2 Điều 50 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định: Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 2 tháng lấy ý kiến nhân dân, Ban soạn thảo đã tiếp thu và đưa thêm phương án 2 là sửa đổi theo hướng quy định quy mô diện tích cụ thể đối với mỗi loại đất thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Bà Nguyễn Thanh Thúy, đoàn đại biểu Bình Định cho rằng cả hai phương án đều không phù hợp vì tại khoản 1 điều này đã quy định: Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, bao gồm: Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được cơ quan tài nguyên và môi trường thẩm định.

Đại biểu phân tích, theo quy định, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh. Trước đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.

Do đó, đại biểu đề nghị chỉ cần quy định: Trong trường hợp các địa phương chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì việc thu hồi đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để chuyển sang mục đích khác mới cần Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản. Còn những địa phương đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đại biểu, quy định như thế sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn, tạo sự chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu giữ như trong dự thảo thì trong thực tế khi chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn, thời gian kéo dài, thậm chí có nguy cơ tạo ra cơ chế xin- cho.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần được quy định rõ hơn để thuận lợi khi áp dụng trên thực tế (Ảnh minh họa)

Cùng chung quan điểm, đại biểu Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng phải phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện, tránh tình trạng báo cáo lên báo cáo xuống, nảy sinh chuyện xin- cho giữa các địa phương và cơ quan Trung ương.

Cần quy định rõ hơn

Đại biểu Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TNMT Đồng Nai cho rằng, quy hoạch sử dụng đất hiện nay được lập trước hết dựa trên chỉ tiêu phân bổ về các loại đất do Chính phủ phân bổ cho địa phương, trong đó có phân bổ đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Trên cơ sở phân bổ đó, các địa phương lập quy hoạch sử dụng đất trình Chính phủ phê duyệt, trong đó có phê duyệt diện tích đất trồng lúa được phép chuyển sang mục đích khác.

Ông Lê Viết Hưng ủng hộ phương án 2 nhưng đề nghị phải quy định rõ quy mô diện tích nhất định nào đó thì phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, vì “không nhất thiết 1m2 đã nằm trong quy hoạch, kế hoạch rồi mà còn lập thủ tục báo với Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, sau đó mới trình Thủ tướng phê duyệt. Nếu làm như vậy thủ tục rất phiền phức”.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đề nghị bổ sung vào khoản 1 điều kiện “hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt nếu chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện”. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo cho những địa phương chưa phê duyệt kịp kế hoạch sử dụng đất hàng năm cũng có cơ sở pháp lý giao đất theo thẩm quyền.

Đại biểu cũng nhấn mạnh: “Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, tức là có xem xét đến chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác nên không cần thiết phải có thêm ý kiến của Thủ tướng. Nếu quy định như khoản 2 điều 50 của dự thảo Luật là hơi thừa”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gần 7 triệu ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai
Gần 7 triệu ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai

(VOV) - Các ý kiến này được gửi đến Quốc hội trong 2 tháng qua, cho thấy sự quan tâm của nhân dân đối với lĩnh vực đất đai.

Gần 7 triệu ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai

Gần 7 triệu ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai

(VOV) - Các ý kiến này được gửi đến Quốc hội trong 2 tháng qua, cho thấy sự quan tâm của nhân dân đối với lĩnh vực đất đai.

Luật Đất đai sửa đổi “mạnh tay” với dự án “treo”
Luật Đất đai sửa đổi “mạnh tay” với dự án “treo”

(VOV) -Với việc quy định điều kiện cụ thể, các dự án “treo” sẽ bị thu hồi nhanh chóng.

Luật Đất đai sửa đổi “mạnh tay” với dự án “treo”

Luật Đất đai sửa đổi “mạnh tay” với dự án “treo”

(VOV) -Với việc quy định điều kiện cụ thể, các dự án “treo” sẽ bị thu hồi nhanh chóng.