Tham gia TPP: Sẽ phải xử lý dứt điểm nạn hối lộ
VOV.VN - Một trong những yêu cầu đặt ra với các bên tham gia TPP đó là phải cam kết áp dụng hiệu quả các quy định và luật pháp về chống hối lộ
Ngày 5/10 vừa qua, Việt Nam cùng với 11 nước gồm Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều kỳ vọng lớn nhưng cũng không ít những thách thức mới.
Một trong nhiều nội dung mà các nước tham gia TPP kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp khuyến khích sự minh bạch cũng như hiệu quả điều hành. Dành hẳn 1 chương trong tổng số 30 chương để quy định về nội dung minh bạch và chống tham nhũng, Hiệp định yêu cầu các bên tham gia TPP phải đồng ý áp dụng hoặc duy trì luật hình sự đối với việc cung cấp những lợi ích không chính đáng của một công chức hay những hành động hối lộ khác có ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại quốc tế. Đồng thời, cam kết sẽ áp dụng hiệu quả các quy định và luật pháp về chống hối lộ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ |
Các bên đồng ý nỗ lực duy trì hoặc áp dụng các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử của các công chức cũng như các biện pháp nhằm xác định và quản lý xung đột lợi ích, qua đó tăng cường đào tạo công chức, tránh việc xử dụng quà tặng, khuyến khích việc thông báo về các hành động hối lộ và có hình thức kỷ luật hoặc các biện pháp khác đối với các công chức có hành động hối lộ…
Làm rõ nội dung này trong Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, TPP đặt ra yêu cầu xử lý hành vi đưa hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy khi sửa đổi Bộ luật Hình sự cần hoàn thiện cấu thành tội tham nhũng như quy định lợi ích bất chính bao gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần…
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Việt Nam chính thức gia nhập TPP không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn mà còn tạo ra những “sức ép” về tăng cường quản trị, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và xử lý những ảnh hưởng xói mòn của việc hối lộ và tham nhũng lên nền kinh tế.
TPP đưa ra các quy định về minh bạch và chống hối lộ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC), đặc biệt là các yêu cầu về hình sự hóa các hành vi tham nhũng và chú trọng đến xử lý các hành vi hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào làm ảnh hưởng đến tính công bằng, bình đẳng trong đầu tư, thương mại quốc tế.
TPP cũng đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia thành viên phải quy định là tội phạm đối với tất cả các hành vi đưa hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào cho công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước, công chức nước ngoài hoặc của tổ chức công quốc tế; hành vi nhận hối lộ của công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước. TPP cũng ra đưa yêu cầu đối với các quốc gia thành viên trong việc xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân liên quan đến các hành vi tham nhũng nói trên.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị, trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sắp tới, những yêu cầu của TPP cần được đặc biệt chú trọng trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Các nội dung cần được xem xét và quy định tập trung vào các vấn đề: Xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; hoàn thiện cấu thành tội phạm đối với nhóm tội tham nhũng như quy định lợi ích bất chính bao gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần; điều chỉnh các yếu tố trong mặt khách quan cho tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng”,
Ngoài ra, việc hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng cần hướng tới xây dựng một hệ thống các biện pháp xử lý hình sự phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, răn đe đối với các hành vi tham nhũng nói chung, đặc biệt là các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thương mại quốc tế, cũng như nhằm thúc đây công khai, minh bạch và liêm chính trong hoạt động kinh doanh./.
Chương 26: Minh bạch hóa và Chống tham nhũng
Chương Minh bạch hóa và chống tham nhũng có mục đích thúc đẩy các mục tiêu, được chia sẻ bởi toàn bộ các bên tham gia Hiệp định, tăng cường quản trị tốt và xử lý những ảnh hưởng xói mòn của việc hối lộ và tham nhũng lên nền kinh tế.
Theo Chương này, các bên tham gia TPP phải đảm bảo rằng, trong chừng mực có thể, luật pháp, quy định và các quy chế hành chính có liên quan tới bất kỳ vấn đề nào được quy định bởi Hiệp định TPP sẽ được công bố công khai và tiếp nhận các nhận xét.
Các bên sẽ đảm bảo quyền lợi theo quy trình thủ tục đối với tố tụng hành chính cho các bên liên quan đến TPP, bao gồm việc nhanh chóng xem xét thông qua các tòa án hoặc thủ tục tố tụng hành chính hoặc quan tòa công bằng.
Các bên cũng đồng ý áp dụng hoặc duy trì luật hình sự hóa đối với việc cung cấp những lợi ích không chính đáng của một công chức hay những hành động hối lộ khác có ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại quốc tế.
Các bên cũng cam kết sẽ áp dụng hiệu quả các quy định và luật pháp về chống hối lộ. Hơn nữa, các bên đồng ý nỗ lực duy trì hoặc áp dụng các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử của các công chức cũng như các biện pháp nhằm xác định và quản lý xung đột lợi ích, qua đó tăng cường đào tạo công chức, tránh việc xử dụng quà tặng, khuyến khích việc thông báo về các hành động hối lộ và có hình thức kỷ luật hoặc các biện pháp khác đối với các công chức có hành động hối lộ.
Trong một Phụ lục của Chương này, các bên TPP cũng đồng ý với các điều khoản thúc đẩy tính minh bạch và quy trình liên quan đến danh sách và các chi phí cho các sản phẩm dược phẩm hoặc các thiết bị y tế. Các cam kết trong phụ lục này không thuộc đối tượng của thủ tục giải quyết tranh chấp.