Tham mưu của ngành nội chính phải thấy được khoảng trống, chồng chéo, mâu thuẫn
VOV.VN - Để công tác tham mưu hiệu quả và sâu sắc hơn, PGS-TS Lê Minh Thông cho rằng, công tác tham mưu phải nắm vững đường lối chính sách của Đảng trong công tác nội chính; nắm chắc pháp luật về công tác nội chính, nắm chắc để thấy được những khoảng trống, chồng chéo, mâu thuẫn mà pháp luật chưa giải quyết được.
Tham luận tại Hội thảo “Công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới” do Ban Nội chính TƯ và Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức sáng 3/10, nhiều ý kiến đánh giá cao vai trò cũng như chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Giang (Ban Thư ký, Hội đồng Lý luận Trung ương), hiện chúng ta đang có 7 cơ quan Đảng Trung ương làm công tác tham mưu về nội chính, gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương. Trong đó, 3 cơ quan có nhiệm vụ tham mưu trực tiếp, sâu vào công tác nội chính gồm: Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thực tế, công tác nội chính đã có sự phát triển trong nhận thức của Đảng, từ đó xác định công tác nội chính là toàn bộ công việc của các cơ quan nhà nước với sự tham gia của MTTQVN, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
PGS-TS Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua hơn 57 năm thành lập và phát triển, đặc biệt sau hơn 10 năm tái lập của Ban Nội chính Trung ương, công tác tham mưu chiến lược phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên phục vụ sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực nội chính đã phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách tư pháp, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“40 năm qua, công tác tham mưu đạt được những thành tựu có tính lịch sử, thực chất. Đường lối đổi mới, những cải cách mà Đảng triển khai trong 40 năm qua có cái gốc quan trọng là công tác tham mưu. Công tác tham mưu không chỉ là đề xướng sáng kiến, mà còn làm rõ các chủ trương, định hướng và cách xử lý. Nếu công tác tham mưu kém, chúng ta không thể có được đường lối đổi mới mang lại những kết quả tích cực như vừa qua, trong đó công tác nội chính đóng một vai trò quan trọng”, PGS-TS Lê Minh Thông phân tích.
Cũng theo PGS-TS Lê Minh Thông, 40 năm qua, nền nội chính Việt Nam có nhiều cải cách, điển hình là Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, mở ra một không gian mới, điều kiện mới xây dựng nền tư pháp cách mạng, hiệu quả, vì công lý. Nghị quyết đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thông qua Nghị quyết này, cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng trong công tác tham mưu. Từ Nghị quyết 49 là hàng loạt các cải cách lớn, nhất là tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn, mạnh mẽ, quyết liệt về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng hình thành phương châm “bốn không”: “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Vì thế để công tác tham mưu hiệu quả và sâu sắc hơn, PGS-TS Lê Minh Thông cho rằng, công tác tham mưu phải nắm vững đường lối chính sách của Đảng trong công tác nội chính; nắm chắc pháp luật về công tác nội chính, nắm chắc để thấy được những khoảng trống, chồng chéo, mâu thuẫn mà pháp luật chưa giải quyết được. Cơ quan tham mưu phải thấy được những điều đó chứ không chỉ các cơ quan xây dựng pháp luật, từ đó để đề xuất những điểm mới. Bên cạnh đó, công tác tham mưu đòi hỏi phải nắm vững kinh tế thị trường, bởi kinh tế thị trường không “đẻ” ra tham nhũng, nhưng sự méo mó của nó lại sinh ra tham nhũng. Thực tế, nhiều vi phạm của nhiều cán bộ thời gian qua có liên quan đến kinh tế, vì thế phải nắm vững kinh tế thị trường định hướng XHCN để phát hiện kịp thời nguy cơ. Mặt khác, công tác tham mưu đòi hỏi phải nắm được thực tiễn tư pháp, nếu không cũng không thể tham mưu, đề xuất được chủ trương cải cách. Không thể tham mưu trong phòng lạnh mà phải ra ngoài thực tiễn.
Cuối cùng, công tác tham mưu phải nắm chắc toàn cầu hóa, chúng ta không thể đi một mình mà phải hội nhập, thực tế là chúng ta cũng đang hội nhập rất mạnh mẽ. Nắm chắc toàn cầu hóa để xem bên ngoài họ làm thế nào, để mình rút kinh nghiệm và làm tốt việc của mình. Đặc biệt còn tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ và những cơ hội nhưng không thể áp dụng máy móc và vận dụng theo thực tiễn của mình. Nắm vững toàn cầu hóa để nắm bắt được những nguy cơ toàn cầu mới, như nguy cơ trốn thuế, thiên đường trốn thuế ở thế giới là nơi để tội phạm tham nhũng rửa tiền, bỏ trốn...