Thanh Hóa hiện thực hóa Nghị quyết 37 của Quốc hội
VOV.VN - Trong tổng số 8 chính sách đặc thù theo Nghị quyết 37 của Quốc hội, đến nay có 5 cơ chế, chính sách đang được Thanh Hóa triển khai thực hiện. Đáng chú ý là Chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa được ngân sách Trung ương phân bổ trở lại 3.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương tổ chức phổ biến, quán triệt và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận, thống nhất cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Trong tổng số 8 chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua, đến nay có 5 cơ chế, chính sách đang triển khai thực hiện, gồm: Chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên; chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, chính sách phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng dựng 1 khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; 03 chính sách còn lại, các sở, ban,ngành cấp tỉnh đang tích cực triển khai để sớm được thực hiện, gồm: Chính sách về mức dư nợ vay; chính sách về phí, lệ phí; chính sách về thu từ xử lý nhà, đất.
Đối với chính sách tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã được ngân sách Trung ương phân bổ trở lại 3.000 tỷ đồng (năm 2022). Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ để thực hiện 23 dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Các dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện theo.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để chúng tôi có 3 nghìn tỷ đó thì phải nỗ lực, thúc đẩy sản xuất, tăng xuất nhập khẩu mới có số thu. Hiện nay thì UBND tỉnh đang triển khai, làm sao sử dụng nguồn vốn đó hiệu quả nhất. Còn những chính sách khác chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu, như chính sách được phân cấp, ủy quyền để thực hiện một số nhiệm vụ như là, điều chỉnh các quy hoạch để chúng ta thực hiện, làm sao mà thủ tục nhanh nhất, thuận lợi nhất để phát huy được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với Thanh Hóa."
Phát huy kết quả đạt được năm 2022-2023, theo ông Ngô Đình Hùng - Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa, năm 2024 tín hiệu thu vượt từ hoạt động xuất nhập khẩu để hưởng theo cơ chế đặc thù đang rất khả quan: "Đối với ngành Hải quan nhiệm vụ đặt ra hơn năm trước 19,5 nghìn tỷ phải hơn 20 nghìn tỷ, Thanh Hóa năm nay sẽ quay lại mốc 50 nghìn tỷ. Dự toán của Hải quan năm 2024 là 13,550 nghìn tỷ nếu Hải quan thu lên 20 nghìn thì vượt 7 nghìn vậy thì số để tính 70% cũng khoảng 3 nghìn tỷ, con số tốt để Thanh Hóa thu hưởng theo Nghị quyết 37 của Quốc hội."