Thể chế luật phải thể hiện tinh thần Hiến Pháp 2013 và Kết luận 92
VOV.VN -Chủ tịch nước hoan nghênh Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có báo cáo đầy đủ và triển khai chủ trương cải cách tư pháp hết sức nghiêm túc.
Ngày 29/8, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ về tình hình quán triệt thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ, sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua và Bộ Chính trị có Kết luận 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 công tác quán triệt được Đảng ủy các bộ, ngành, Đảng ủy Công an, Quân ủy Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên về vai trò của hoạt động tư pháp được nâng lên rõ rệt.
Ban cán sự Đảng Chính Phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bám sát chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội thể chế hóa các luật, pháp lệnh một cách khẩn trương đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Chính phủ cũng chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh phù hợp nội dung Hiến pháp 2013, đặc biệt là những luật, pháp lệnh liên quan đến tổ chức bộ máy, quyền con người, quyền công dân, quyền tư pháp; chú trọng các giải pháp đồng bộ đấu tranh phòng chống tội phạm và thi hành án; chất lượng hoạt động điều tra được nâng lên đảm bảo đúng thời hạn, trình tự, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật... Những kết quả này đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện ổn định cho phát triển kinh tế xã hội.
Đánh giá cao việc thực thi chiến lược cải cách tư pháp của Chính phủ, các đại biểu cũng cho rằng thực tiễn công tác xây dựng luật, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu về triển khai thi hành, luật, pháp lệnh.
Bên cạnh đó, hiệu quả tuyên truyên công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, thi hành án vẫn còn hạn chế, vẫn còn bất cập trong xác định vai trò, vị trí và quản lý nhà nước trong lĩnh vực luật sư; các cơ quan tư pháp còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị...
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp gắn với cải cách hành chính; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ tư pháp và các chức danh tư pháp, đẩy nhanh triển khai đề án các đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP HCM thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật, xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp; cần mạnh dạn hơn cho xã hội hóa công tác giám định tư pháp để tập trung cho công tác quản lý Nhà nước, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về các lĩnh vực tương trợ tư pháp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp, khẳng định Ban cán sự Đảng Chính phủ nhận thức rõ việc xây dựng nền dân chủ pháp quyền chính là đòi hỏi tất yếu khách quan.
Trên tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo một cách nghiêm túc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nỗ lực hoàn thiện thể chế hóa, tổ chức thực thi có hiệu quả những văn bản quy định pháp luật.
Đề cập một số kiến nghị về cần tăng cường cơ sở vật chất cho cơ quan tư pháp, Thủ tướng khẳng định Chính phủ rất quan tâm tạo điều kiện phân bổ kinh phí phù hợp trong khả năng của nền kinh tế.
Thủ tướng cũng đề nghị Ban cải cách chỉ đạo các cơ quan tư pháp cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân thông qua khởi kiện ra tòa hành chính, phát triển luật sư công để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho người dân khi tham giải quyết khiếu nại hành chính.
Thủ tướng cũng lưu ý trong triển khai luật giám định cần sự thống nhất trong đánh giá làm cơ sở trong khởi tố, điều tra, truy tố, đồng thời xem xét sửa đổi một số quy định về tội phạm tử hình trong Luật hình sự tới đây, đồng thời phải làm tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý báo cáo để làm cơ sở đẩy mạnh hơn công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước hoan nghênh Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có báo cáo đầy đủ và triển khai chủ trương cải cách tư pháp hết sức nghiêm túc, trong đó công tác chỉ đạo thể chế hóa các luật và pháp lệnh đã có bước tiến rõ rệt, công tác chỉ đạo phòng chống tội phạm, thi hành án đạt kết quả cao...
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chính Phủ trong xây dựng luật pháp luật trình Quốc hội, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ cần triển khai đồng bộ luật, khắc phục tình trạng nợ đọng và chậm ban hành các Nghị định để triển khai thi hành.
Đặc biệt trong thể chế quy định của Hiến pháp 2013 và kết luận 92 phải làm rõ việc phân công trách nhiệm và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan.
Chủ tịch nước cho rằng về chế định bảo hiến là phân quyền cho các cơ quan nhà nước, nên khi thể chế luật phải thể hiện tinh thần Hiến Pháp 2013 và Kết luận 92.
Chủ tịch nước lưu ý trong quá trình hội nhập và căn cứ thực tiễn cần đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, nghiên cứu điều chỉnh chính sách hình sự như các hình thức thay thế hình phạt tù, giảm hình phạt tử hình trong một số quy định của Luật hình sự.
Tán thành phương hướng và kiến nghị của các đại biểu, Chủ tịch nước cho rằng cần tập trung nâng cao công tác đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp nhất là cấp huyện như tòa án, kiểm sát, tạm giam... để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.