Thủ tướng: Cần có cơ chế vượt trội cho các đặc khu
VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vấn đề lớn nhất đối với các đặc khu là thể chế chính sách pháp luật có sự khác biệt so với thể chế đang áp dụng
Sáng 18/4, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (thường gọi là đặc khu) đã họp lần đầu tiên sau khi được thành lập theo Quyết định số 56 của Thủ tướng tháng 1/2018.
Thủ tướng đề nghị có cơ chế vượt trội cho các đặc khu |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tiến độ xây dựng Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sau khi Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 4, từ tháng 1 năm nay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật.
Lãnh đạo 3 địa phương có đặc khu là Quảng Ninh, Kiên Giang và Khánh Hòa báo cáo Ban Chỉ đạo đều cho biết, đã hoàn thiện Đề án xây dựng đặc khu, đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định. Trong quá trình đó, các địa phương cũng đã thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như đường cao tốc, các tuyến đường kết nối, hạ tầng sân bay, cảng biển.
Về tình hình mua bán đất và xây dựng công trình trái phép, các địa phương báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong khi tình hình này ở Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh và Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa đã bước đầu được kiểm soát thì tại Phú Quốc, Kiên Giang vẫn diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra xử lý từ tháng 10/2017 và đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, trong đó đã có 9 nhóm bảo kê thao túng thị trường trái pháp luật đã bị bắt giữ hoặc xử lý hành chính.
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra, đến thời điểm này, tỷ lệ xây dựng trái phép chiếm 63%. Tức là 100 căn kiểm tra thì 63 căn là sai phép và trái phép. Những trường hợp này đã được lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và sẽ tiến hành cưỡng chế. Hiện nay, tình hình mua bán trái phép và xây dựng sai phép khá nhiều, tỉnh cũng đã hết sức nỗ lực. Tuy nhiên, việc ngăn chặn cũng mới chững lại, chưa dứt điểm được.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo đã có ý kiến góp ý vào dự thảo Luật, trong đó có các vấn đề về ưu đãi đầu tư, ngành nghề ưu tiên phát triển; nhà đầu tư chiến lược, thủ tục đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cơ chế tài chính, ngân sách đầu tư ban đầu cho đặc khu…
Cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt |
“Thể chế ở đây không trái Hiến pháp. Thứ hai, chính sách ở đây phải có tính vượt trội để có thể cạnh tranh, thu hút. Bộ máy ở đây phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bộ máy ấy cân bằng ba lợi ích là nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, những vấn đề bộ máy và chính sách phải mang tính cạnh tranh toàn cầu và đi liền đảm bảo an ninh quốc phòng. Thứ ba, tuân thủ ý kiến chỉ đạo, các văn bản của Bộ Chính trị, trong đó có những vấn đề lớn như dựa vào nội lực, dựa vào đổi mới phát triển... Tôi nghĩ rằng, không có quy định nào trái hiệp định quốc tế chúng ta tham gia”, Thủ tướng nêu rõ.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu, Dự án Luật phải cập nhật số liệu mới nhất, xác định rõ lợi thế so với khu vực và quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động trong ngắn hạn và lâu dài, có tầm nhìn tổng thể, chiến lược để hoạch định chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Đánh giá việc triển khai tiến độ các công việc còn chậm, Thủ tướng nhấn mạnh, cần có quyết tâm chính trị cao hơn. Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng ba đặc khu này không phải là cho ba tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ninh và Kiên Giang mà là cho cả nước. Do đó, Thủ tướng yêu cầu công tác tuyên truyền phải làm rõ điều này, nêu lên được những mặt tích cực, tạo sự thống nhất và đồng thuận của toàn xã hội.
“Tinh thần lớn thứ nhất là dự án này phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho ba đơn vị, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững. Xây dựng thể chế đột phá, tạo động lực phát triển. Tôi xin nhấn mạnh ý này. Không có điều này khó có thể thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong tổ chức bộ máy, Thủ tướng cho rằng cần phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý, xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy, trong đó cần giao quyền mạnh mẽ cho Trưởng đặc khu.
Thủ tướng đề nghị các địa phương và bộ ngành làm tốt công tác chuẩn bị, đảm bảo không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có hiệu lực. Đồng thời phải đảm bảo việc lập các đặc khu phải giúp cuộc sống của người dân thuận lợi hơn, tốt hơn.
Về tình hình mua bán đất và xây dựng trái phép tại các khu vực dự kiến là đặc khu, Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường, đảm bảo trật tự xã hội, không để “cò” đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện Dự thảo Luật, các đề án, văn bản cần thiết để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới./.
Nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền 3 đặc khu sẽ đến 2021
Chủ tịch Quốc hội: Không để 10 năm sau thấy không được gì từ đặc khu
Quy trình đặc biệt chọn Chủ tịch đặc khu vì thẩm quyền vượt trội