Thủ tướng chủ trì hội nghị đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a
VOV.VN - 22.189 tỷ đồng là tổng nguồn lực phân bổ và huy động hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a trong 6 năm qua.
Sáng 8/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo nhất cả nước.
Một trong những yêu cầu kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ là ngay trong tháng tới trình Chính phủ phương án sắp xếp lại cụ thể từng nông, lâm trường để chuyển diện tích đất quản lý kém hiệu quả cho các địa phương giao đất cho người dân gắn với giữ và trồng rừng.
Hàng loạt chính sách đặc thù của Chính phủ liên quan đến cán bộ, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, giáo dục, dạy nghề, nâng cao dân trí, xuất khẩu lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng..đã đi vào cuộc sống, tạo cú hích lớn cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
Nổi bật là chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng đã tạo điều kiện cho trên 244.000 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền gắn với lương thực; tổ chức đào tạo nghề cho hơn 10.000 lao động nghèo để tạo việc làm hoặc tham gia xuất khẩu lao động.
Các địa phương cũng đã tăng cường hơn 200 cán bộ cán bộ chủ chốt cho các huyện nghèo và thu hút gần 500 tri trức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về các xã nghèo; đầu tư trên 5.700 công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh tại các huyện nghèo...
Với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, trách nhiệm và sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp cùng sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, chỉ trong giai đoạn 2011-2014, tổng số hộ nghèo tại 64 huyện nghèo nhất cả nước đã giảm gần 38%, tương đương trên 143.000 hộ đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo cơ bản đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% trong Nghị quyết 30a của Chính phủ và đến nay đã có 8 huyện đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn…
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh nhưng đến cuối năm ngoái, tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo vẫn còn tới 32,59%, cao gấp hơn 5 lần so với bình quân của cả nước, thậm chí một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới trên 50%.
Ông Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết thêm: “Đến giờ phút này và theo sơ bộ báo cáo của các ngành chuyên môn thì có khoảng từ 20% đến 25% số nông lâm trường hoạt động không hiệu quả mà lĩnh vực đó là đất đai quản lý rất lớn cần phải xem xét tiếp, cần làm rất cụ thể nông, lâm trường để sử dụng đất đó, tài sản đó cho hiệu quả…”
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Giảm nghèo bền vững nói chung và Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo nhất cả nước nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn nữa.
Với tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo vẫn còn quá lớn, nhất là trong đó có tới 45% là đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Ban chỉ đạo giảm nghèo Trung ương và lãnh đạo các địa phương tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, đề cao trách nhiệm và cụ thể hóa chương trình, kế hoạch thực hiện của ngành và địa phương mình đối với công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; tập trung rà soát loại bỏ các chính sách trùng dẫm, kém hiệu quả, bổ sung hoàn thiện các chính sách liên quan đến giao khoán bảo vệ rừng, khuyến khích trồng rừng đi liền với phương án sắp xếp lại các nông lâm trường theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đồng bào dân tộc thiểu số muốn thoát nghèo gắn với rừng thì chúng ta phải tập trung bổ sung thêm chính sách này. Rừng bây giờ phải đa mục tiêu cả kinh tế, môi trường, xã hội, đầu nguồn…Chúng ta phải bổ sung thêm chính sách này, gắn với đó tôi đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực này, tập trung rà soát lại để lên phương án trình Chính phủ ngay trong tháng tới phương án sắp xếp lại từng nông, từng lâm trường cụ thể, chứ không nói chung chung theo định hướng, nguyên tắc nữa. Nông trường A này, có tên, địa chỉ đàng hoàng với phương án giữ hay giải tán. Kỳ này yêu cầu trình tôi trực tiếp duyệt cụ thể từng nông lâm trường, rồi chuyển hết cho địa phương để các đồng chí giao đất cho dân gắn với việc giao giữ rừng…”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu khẩn trương bổ sung chính sách tín dụng hỗ trợ cho đồng bào các huyện nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiếu số phát triển sản xuất chăn nuôi cả về vốn, giống đến thức ăn; yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội tăng doanh số cho vay và mở rộng đối tượng cho vay ưu đãi, nhất là đối với hộ nghèo làm kinh tế, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng như học sinh, sinh viên nghèo đi học…
Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sớm với Chính phủ chính sách ưu đãi tối đa nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các huyện nghèo và tiêu thụ các sản phẩm của vùng khó khăn. Khẳng định trung ương sẽ cân đối nguồn lực đầu tư trung hạn theo hướng tăng thêm để triển khai chương trình 30a, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cùng với cân đối nguồn lực phải gắn với lồng ghép triển khai các dự án, kiểm soát đầu tư hiệu quả; kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ các huyện, vùng khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Thủ tướng lưu ý các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình 30a; tăng cường kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, uốn nắn và xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh để các chính sách đi vào thực tiễn và phát huy kết quả cao nhất.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ động viên, nhân rộng các mô hình tốt, kinh nghiệm hay, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, đồng thời phê phán những nơi làm thiếu trách nhiệm, triển khai chương trình kém hiệu quả…/.