Thủ tướng đề nghị ASEM đẩy mạnh phòng chống rủi ro
VOV.VN -Hiện nay, cả châu Á và Âu đang phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất, khoảng 70% thiên tai toàn cầu và 2/3 nạn nhân của thiên tai là ở châu Á.
Tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 tại Milan, Italia, đêm qua theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEM đã tham dự phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “Đối tác Á - Âu ứng phó với các vấn đề toàn cầu trong một thế giới gắn kết”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Manta được mời phát biểu dẫn đề tại phiên họp mang tính thời sự nóng bỏng này. Thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo cùng chung nhận định: các thách thức toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt hơn như thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng, dân số gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu – thách thức lớn nhất của nhân loại trong Thế kỷ 21. Các thách thức này đang tác động sâu sắc và nhiều chiều đến mọi quốc gia và mọi châu lục, cản trở nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu thiên niên kỷ.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chứng: chỉ trong hơn một thập niên đầu Thế kỷ 21, nhân loại phải ứng phó với nhiều thách thức toàn cầu gay gắt, phức tạp, nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trầm trọng nhất trong hơn 100 năm qua, thảm họa kép động đất sóng thần ở Nhật Bản, siêu bão Hai-an tàn phá đất nước Philíppines và hiện nay là Ebola tại châu Phi - đại dịch lớn nhất từ trước tới nay.
Để phối hợp hành động ứng phó với các vấn đề toàn cầu trong một thế giới gắn kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: ASEM cần xác định phát triển bền vững là nội hàm quan trọng của hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó con người phải là mục tiêu và là trung tâm. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đóng góp vào hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, thúc đẩy đạt thỏa thuận mới toàn cầu về khí hậu tại Hội nghị Paris và hợp tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Hội nghị Sendai.
Thủ tướng cho rằng, ASEM cần có tư duy phát triển mang tầm toàn cầu và cách tiếp cận liên ngành, đổi mới và sáng tạo liên quan đến an ninh về lương thực - nguồn nước - năng lượng.
Hiện nay cả hai châu lục Á- Âu đang phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất khoảng 70% thiên tai toàn cầu và 2/3 nạn nhân của thiên tai là ở châu Á. Trước thực trạng biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức trở nên phức tạp và khó lường, Thủ tướng cho rằng ASEM cần đẩy mạnh nỗ lực chung về phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phục hồi sau thảm họa, trong đó cần sớm thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin và hợp tác.
ASEM cũng cần phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các hoạt động, sáng kiến trong khuôn khổ Diễn đàn cũng như với các cơ chế khác. Trong đó, ASEM cần quan tâm thỏa đáng, tham gia hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, đặc biệt là hợp tác Mekong - Danube và tăng cường nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: ứng phó với các thách thức toàn cầu luôn là một nội hàm then chốt trong nỗ lực xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động, tự cường và gắn kết và trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Các nhà lãnh đạo ASEAN – EU đều khẳng định quyết tâm hướng tới quan hệ đối tác chiến lược, trong đó coi trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, kết nối cũng như ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ của các thành viên đối với ba sáng kiến mới của Việt Nam tại Hội nghị ASEM 10 về “Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực”, “Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức về không đói nghèo” và “Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững”.../.