Thủ tướng đề nghị Hải Dương phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp

VOV.VN -Kết luận buổi làm việc với tỉnh Hải Dương, Thủ tướng nhấn mạnh: Hải Dương cần suy nghĩ rất sâu sắc chiến lược trở thành trung tâm công nghiệp.

Sau cuộc đối thoại với nông dân vào sáng nay tại Thành phố Hải Dương, chiều nay (9/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hải Dương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh:Chinhphu.vn

Hải Dương – Trấn Đông xưa, là phên giậu phía Đông của kinh thành Thăng Long, là nơi hội tụ và lưu giữ nhiều di sản văn hóa. Hiện toàn tỉnh có 149 di tích lịch sử xếp hạng quốc gia, trong đó có Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ ngành đều cho rằng, Hải Dương có điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, trong đó là tỉnh có tới 5 đường Quốc lộ đi qua; nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; nằm ven một số con sông lớn, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đã có những giai đoạn, Hải Dương tăng tốc phát triển công nghiệp rất mạnh mẽ, là một trong những tỉnh triển khai sớm mô hình đổi đất lấy hạ tầng, tuy nhiên, gần đây lại có sự chững lại. Một số khu công nghiệp đã hoàn thành từ lâu nhưng lại chưa thu hút được các nhà đầu tư nên có thể cần nghiên cứu, xem xét lại về quy hoạch.

Hiện nay Hải Dương đã được quy hoạch 18 khu công nghiệp, 45 cụm công nghiệp; đã có 5 trường đại học, 11.000 doanh nghiệp; đã thu hút khoảng 7,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tỉnh cũng có nhiều sản phẩm đặc sắc và nổi tiếng như vải thiều Thanh Hà, bánh đậu xanh, bánh gai Ninh Giang, sứ Hải Dương, gốm Chu Đậu…

Tình hình kinh tế xã hội của tỉnh quý 1/2018 cũng có nhiều khởi sắc, tổng thu ngân sách đạt 3.660 tỷ đồng, bằng 1/4 dự toán năm. Kết thúc năm ngoái, tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,9%, thu ngân sách gần 14.700 tỷ đồng trong đó thu nội địa trên 12.000 tỷ. Tỉnh đã có 135 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ gần 59% và có hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Thủ tướng đề nghị Hải Dương phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của Bắc bộ. Ảnh: Chinhphu.vn
Kết luận buổi làm việc, dù đánh giá cao Hải Dương đạt kết quả tích cực về kinh tế xã hội, nhưng Thủ tướng cũng nêu những hạn chế tồn tại của tỉnh. Theo Thủ tướng, dù là tỉnh giàu truyền thống văn hóa và dân trí cao nhưng Hải Dương tăng trưởng dưới tiềm năng. Và nếu không có quyết tâm cao hơn thì Hải Dương đang mất dần một số lợi thế vốn có, trong đó nhiều chỉ số đang ở mức dưới trung bình cả nước, như cạnh tranh, như môi trường kinh doanh, thu nhập.

Trước đây, vị trí địa lý và hạ tầng là lợi thế lớn, nhưng hiện các tỉnh lân cận đang có sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, làm lợi thế này của Hải Dương mất dần.  

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Hải Dương ở mức trung bình thấp và có xu hướng giảm những năm gần đây, trong đó, năm 2017 đứng thứ 49/63 tỉnh, thành, đáng chú ý là những chỉ số mang tính động lực mạnh để thúc đẩy phát triển thì lại xếp thứ hạng thấp, trong đó có tính minh bạch, tính năng động, tính cạnh tranh bình đẳng.  

Hiện có gần 4 vạn người Hải Dương làm việc ở nước ngoài, kiều hối khoảng 300 triệu USD, nhưng nguồn lực này chưa được tận dụng để đầu tư phát triển.  

Để Hải Dương phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hải Dương cần phát huy nội lực “người xứ Đông” có quyết tâm chính trị cao hơn, có ước mơ, khát vọng mạnh mẽ hơn. "Tôi chia sẻ một tầm nhìn đối với Hải Dương trong thập kỷ tới, là phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của Bắc bộ và cả nước, trở thành năng động, phát triển toàn diện, thuộc nhóm đầu của Việt Nam", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, “chìa khóa” cho sự thành công của Hải Dương nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng con người, vận dụng những thành tựu công nghệ, sự thuận lợi về yếu tố địa lý và không gian liên kết kinh tế với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các trung tâm kinh tế khác của cả nước.  

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị Hải Dương tái cơ cấu các khu, cụm công nghiệp, bởi hiện dù nhiều nhưng chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Cùng với đó là tái cơ cấu lại 5 trường đại học hiện có, quy mô còn nhỏ, tạo các thương hiệu đại học danh tiếng; tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; tái cơ cấu lại đầu tư công, chọn những công trình ưu tiên, còn lại thúc đẩy xã hội hóa.

Muốn vậy, Hải Dương cần xây dựng chính quyền thực sự kiến tạo, phát triển, đặt mục tiêu phát triển dài hơi; cần tập trung vào những yếu tố đang còn yếu, đó là tính minh bạch, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp, sớm phấn đấu tăng gấp đôi số doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đề nghị Hải Dương phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của vùng: "Muốn trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước thì phải thu hút được doanh nghiệp lớn của cả khu vực và thế giới, những doanh nghiệp công nghiệp lớn, giá trị gia tăng cao tới đầu tư. Đi liền với đó, muốn trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại thì con người cũng phải có phong thái, tính cách của xã hội công nghiệp hiện đại. Cho nên vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nghề nghiệp…rất quan trọng."

Theo Thủ tướng, Hải Dương cũng cần đổi mới thu hút đầu tư phát triển du lịch, tận dụng các lợi thế về các danh thắng và đặc sản địa phương để tham gia vào các chuỗi giá trị du lịch khu vực, trong đó cần khai thác hiệu quả danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng thăm làng nghề gốm Chu Đậu
Thủ tướng thăm làng nghề gốm Chu Đậu

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm làng nghề truyền thống, tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu.  

Thủ tướng thăm làng nghề gốm Chu Đậu

Thủ tướng thăm làng nghề gốm Chu Đậu

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm làng nghề truyền thống, tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu.  

Thủ tướng đối thoại với nông dân, trả lời nhiều câu hỏi thẳng thắn
Thủ tướng đối thoại với nông dân, trả lời nhiều câu hỏi thẳng thắn

VOV.VN - Có khoảng hơn 1.000 câu hỏi của nông dân và nhân dân cả nước gửi đến Thủ tướng và các bộ, ngành trong buổi Thủ tướng đối thoại với nông dân.

Thủ tướng đối thoại với nông dân, trả lời nhiều câu hỏi thẳng thắn

Thủ tướng đối thoại với nông dân, trả lời nhiều câu hỏi thẳng thắn

VOV.VN - Có khoảng hơn 1.000 câu hỏi của nông dân và nhân dân cả nước gửi đến Thủ tướng và các bộ, ngành trong buổi Thủ tướng đối thoại với nông dân.