Thủ tướng nêu quan điểm phát triển với miền Trung-Tây nguyên
VOV.VN -Thủ tướng nhất trí với đề xuất tại buổi làm việc là trong nhiệm kỳ tới, phần lớn các tỉnh miền Trung-Tây nguyên phải tự cân đối được ngân sách.
Sáng nay 12/7, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban với 10 địa phương khu vực miền Trung-Tây nguyên gồm Đắk Lắk, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.Thủ tướng nêu quan điểm phát triển đối với khu vực này là phát triển để ổn định; phát triển xanh và chống sa mạc hóa Tây nguyên, chống xâm lấn biển.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành, các thành viên của Tiểu Ban Kinh tế Xã hội và lãnh đạo các địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, buổi làm việc này rất quan trọng để các thành viên của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội lắng nghe ý kiến thực tiễn từ quá trình phát triển của các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Chiến lược 10 năm 2011-2020, Kế hoạch 5 năm 2016-2020; đóng góp các ý tưởng, định hướng phát triển sát thực tiễn cho các văn kiện mà Tiểu ban phải xây dựng, gồm Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Cùng với đó là phải có tầm nhìn dài hạn hơn đến năm 2045.
Nhấn mạnh đây là các văn kiện rất quan trọng phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần lưu ý sự kế thừa và phát huy thành tựu 30 năm đổi mới đất nước.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần thẳng thắn nêu lên các vướng mắc, nút thắt trong phát triển; các giải pháp, mô hình phát triển, cách vận dụng sáng tạo để giúp địa phương, vùng và quốc gia phát triển nhanh và bền vững thời gian tới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thu nhập người dân nước ta còn thấp.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã nêu nhiều nút thắt phát triển đối với các địa phương và vùng, trong đó cơ cấu kinh tế chưa chuyển dịch tích cực, một số địa phương cơ cấu sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn và chưa phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với 10 địa phương khu vực miền Trung-Tây nguyên Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Các địa phương chỉ ra tính liên kết trong phát triển giữa các địa phương còn lỏng lẻo, mỗi địa phương là một nền kinh tế riêng lẻ, chưa coi trọng xứng đáng về mô hình kinh tế vùng nên gây ra sự trung lặp trong nhiều vấn đề, kể cả thu hút đầu tư. Trong khi đó mô hình Hội đồng vùng chưa hoàn thiện, chưa thực sự có cơ chế điều phối phát triển vùng một cách hiệu quả.
Lãnh đạo các tỉnh cũng cho rằng, cần tiếp tục có giải pháp đột phá phát triển khu vực này, đồng thời phải kiên quyết khôi phục được rừng Tây nguyên. Cùng với đó là phát triển các dự án cấp vùng đã được quy hoạch, phát triển các dự án giao thông kết nối vốn đang được triển khai chậm, phát triển hệ thống đường sắt và đường thủy; phát triển hạ tầng đô thị mang tính kết nối giữa Đà Nẵng với các địa phương trong vùng; đẩy mạnh mô hình đầu tư hợp tác công-tư; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh có sự đột phá để kêu gọi đầu tư.
Sau khi lãnh đạo một số bộ, ngành có ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh một số nội dung chính. Biểu dương các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã đạt nhiều thành tựu lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng Thủ tướng cũng nêu các thách thức.
Cho rằng các cây cà phê, cao su, hồ tiêu đang phát triển quá mức, khiến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ không có chủ trương phá rừng nghèo để trồng cây công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc phát triển nhà máy thủy điện quá mức ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Quản lý đất đai, tài nguyên, rừng nông-lâm trường chưa hiệu quả. Giao thông nội vùng và đối ngoại thiếu và yếu, chi phí vận tải cao, sức cạnh tranh hàng hóa giảm, khó thu hút đầu tư và khó hợp tác vùng. Chất lượng nguồn nhân lực của vùng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thiếu cơ chế điều phối vùng hiệu quả. Tỷ lệ doanh nghiệp trên số dân còn thấp.
Từ các thách thức này, Thủ tướng nêu quan điểm phát triển đối với khu vực này là phát triển để ổn định; phát triển xanh và chống sa mạc hóa Tây nguyên, chống xâm lấn biển.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu về định hướng phát triển vùng, Thủ tướng cho rằng: "Cần phải nhiên cứu, phân loại vùng hợp lý hơn. Cơ chế liên kết vùng, cụ thể là hội đồng vùng cần tính toán cụ thể hơn, có hiệu lực hơn. Cần lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển giao thông vận tải cần sớm hơn, nhanh hơn. Tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế từng địa phương có đặc điểm sinh thái tiểu vùng khác nhau. Cơ cấu lại các ngành, đặc biệt là nông nghiệp và du lịch, là thế mạnh của vùng; kể cả thế mạnh khoáng sản boxit, nếu đẩy mạnh chế biến sẽ là lối ra cho vùng. Nhất là định hướng phát triển khôi phục phát triển kinh tế rừng. Kinh tế rừng là vấn đề đặt ra đối với vùng miền Trung-Tây nguyên".
Cùng với đó, Thủ tướng cũng tán thành với các lãnh đạo địa phương về phát triển năng lượng tái tạo, du lịch, là thế mạnh của vùng. Xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả lấy doanh nghiệp là nòng cốt, hợp tác xã là trọng tâm, nông dân làm chủ thể, xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Thủ tướng cũng ghi nhận lãnh đạo các địa phương nêu ý kiến huy động nguồn lực khác nhau để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, kể cả đường bộ, đường sắt và đường thủy; quan tâm đặc biệt đến chính sách dân tộc, chăm lo cho người có công.
Tán thành với các địa phương về việc phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng cho rằng, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị; cần quy hoạch phát triển bền vững và tầm chìn chiến lược cho vùng và từng địa phương. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất và đời sống, không để tụt hậu về công nghệ.
Thủ tướng nhất trí với đề xuất tại buổi làm việc là trong nhiệm kỳ tới, phần lớn các tỉnh miền Trung-Tây nguyên phải tự cân đối được ngân sách./.