Thủ tướng: Ngăn chặn việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế
VOV.VN -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Nhà nước và Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế, trừ trường hợp vi phạm thì xử lý nghiêm minh”
Sáng nay (29/4), tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam – động lực phát triển đất nước, với sự tham dự của hơn 1000 doanh nghiệp tại TPHCM và nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành cả nước.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương phải đồng hành với doanh nghiệp một cách thực chất, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hội nghị hôm nay có sự tham dự của các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Bộ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, lãnh đạo của 63 tỉnh thành trên cả nước. Điều này cho thấy một thông điệp rõ ràng của Thủ tướng, đó là lắng nghe và nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp, dỡ các rào cản đang kìm doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị |
Với tiêu đề hội nghị là “Doanh nghiệp Việt Nam – động lực cho phát triển kinh tế đất nước”, các doanh nghiệp đánh giá cao sự coi trọng của Chính phủ về vai trò của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp đã được nêu ra tại hội nghị, với mong muốn đại diện các Bộ, ngành và Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ.
Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, tính đến hết năm 2015, Việt Nam có 513.000 doanh nghiệp, nhưng cũng trong năm 2015 có 80.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể. Riêng quý I năm nay có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng không mấy lạc quan khi cuối năm 2015, 58% doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn.
Trước thực tế đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành một Nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn đề nghị cần đổi mới tư duy toàn diện bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương, để thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân và doanh nghiệp.
Với thực tế hiện nay là các doanh nghiệp đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đề nghị các Bộ, ngành cần rà soát và kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp; trước mắt, với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, đến ngày 1/7 tới cần công bố đầy đủ điều kiện đối với từng ngành nghề trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư để mọi người dân, doanh nghiệp biết và tuân thủ.
Nhiều doanh nghiệp, đại diện ngân hàng cũng cho rằng, giá vốn hiện nay còn cao, bình quân 8,5%/năm, cao hơn nhiều so với mức lạm phát của năm 2014 và 2015. Lãi suất thực lên đến 7-8%/năm, trong khi con số này ở các nước trong khu vực khoảng trên 2%.
Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau cũng đã đưa ra các kiến nghị cụ thể. Đại diện cho các nhà bán lẻ Việt Nam, Saigon Co-op đề nghị Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về ngành bán lẻ Việt Nam, xây dựng 20 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam; Đại diện Hãng hàng không Vietjet thì đề nghị tạo sự bình đẳng, thuận lợi cho các hãng hàng không tư nhân; đại diện ngành sữa, công ty Vinamilk đề nghị các cơ quan chức năng phải liên thông để xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để tiết kiệm thời gian, trong đó có thủ tục hải quan.
Đồng thời doanh nghiệp này cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ngành xem xét lại quy định xử lý chất thải trong chăn nuôi; các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Thông tư, Nghị định nào doanh nghiệp đang thực hiện tốt thì không nên thay đổi, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính cần rà soát chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực phần mềm; và đặc biệt, là cần có chính sách để đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực phần mềm, bởi 10 năm nay các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng.
Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM đề xuất 20 vấn đề. Riêng kiến nghị tháo gỡ về vấn đề tiền sử dụng đất, ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Tiền sử dụng đất vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp vì là mua lại lần thứ hai sau khi giải phóng, bồi thường giải phóng mặt bằng. Quá trình thẩm định nhiêu khê, có thể dẫn đến doanh nghiệp phải thỏa thuận về giá phù hợp. Cần có quy định tiền sử dụng đất như một chính sách thuế. Lâu dài thì bỏ tiền sử dụng đất là thuế. Như vậy minh bạch, loại trừ cơ chế xin cho. Nếu được, đề nghị Nhà nước cho khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất”.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội kiến nghị một vấn đề doanh nghiệp bức xúc lâu nay, đó là vấn đề thanh tra kiểm tra.
“Liên quan đến triển khai các chính sách kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, thì rất nhiều ngành, ngành Lao động thương binh xã hội, ngành Thuế, Hải quan, ngành Quản lý môi trường, thực phẩm kiểm tra. Với các doanh nghiệp nhỏ, một năm tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra về thực phẩm, giờ lao động, công tác phòng cháy chữa cháy… gây ức chế cho doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ nên yêu cầu các cơ quan chức năng gộp chung lại để cùng kiểm tra, đỡ phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Vũ Đức Giang nói.
Kiến nghị này lập tức được các doanh nghiệp tại hội nghị hưởng ứng và vỗ tay.
Trong khi đó, các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài là Mỹ, Euro Cham, Hàn Quốc, Nhật Bản… và nhiều đại diện khác đề nghị Chính phủ thành lập Ủy ban cải cách thể chế; đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực tự động hóa; tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực năng lượng; có lộ trình rõ ràng trong việc sử dụng các nhiên liệu để đảm bảo thực thi các quy định về khí thải ô tô khi Việt Nam nâng cấp từ tiêu chuẩn Euro 2 lên Euro4…
Trong phần các Bộ trưởng trả lời các đề xuất của doanh nghiệp, điểm doanh nghiệp rất đồng tình với việc các Bộ trưởng đều sử dụng từ cam kết: cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, cam kết lắng nghe và tháo gỡ khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tháo gỡ các thủ tục kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tôn trọng quyền kinh doanh, quyền đầu tư của doanh nghiệp và người dân đã được quy định trong Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư.
Bộ Tài chính cam kết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thông quan hải quan. Bộ Công thương nhấn mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm thông thoáng, quyền tự do cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; NHNN cam kết hỗ trợ vốn, các NHTM tiết kiệm chi phí, điều chỉnh lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức hợp lý. Bộ Công an cho biết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cam kết xử lý các vướng mắc về tiền lương, bảo hiểm xã hội…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, xã hội Việt Nam có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân. Sau ngày giành độc lập, Bác Hồ đã dành thời gian gặp doanh nghiệp, và trong lúc khó khăn nhất, doanh nghiệp, doanh nhân đã bỏ ra hàng ngàn lượng vàng để xây dựng đất nước.
Thời gian qua, môi trường kinh doanh đã được cải thiện, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chỉ ra một số điểm tồn tại. Đó là việc ban hành, chỉnh sửa còn chậm; có Luật nhưng ban hành Thông tư, Nghị định chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật còn hạn chế, phát sinh nhiều chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; thanh tra còn chồng chéo, thời gian kéo dài.
Thủ tướng cũng chỉ ra tỷ lệ doanh nghiệp thực tế hoạt động không cao, sức cạnh tranh doanh nghiệp còn yếu; trong khi đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Đáng lo ngại là hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp và có xu hướng giảm.
Vì vậy, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một số nguyên tắc quan trọng, đó là Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Không lạm quyền, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; Xử lý nghiêm việc tùy tiện hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường… và cơ hội kinh doanh.
Các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ một vấn đề, một cơ quan chịu trách nhiệm, và hướng tới người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng các quyết định của mình.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, các quy định về điều kiện phải lượng hóa được, minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư, doanh nghiệp tự đánh giá được, việc tuân thủ đáp ứng được yêu cầu với chi phí tuân thủ thấp, giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh, đưa ra một Nghị định mới phải nói rõ, không thể hiểu sai cũng được và đúng cũng được.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải lấy người dân doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, nhận phần khó khăn về doanh nghiệp Nhà nước, và cần có chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và cần có chính sách hỗ trợ riêng để tạo điều kiện cho phát triển và hội nhập. Chỉ có 1,8% doanh nghiệp vừa, 2% doanh nghiệp lớn, còn 96% là doanh nghiệp nhỏ. Tại hội nghị này, tôi muốn khẳng định đường lối của Đảng, Chính phủ là coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Nhà nước và Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế, trừ trường hợp vi phạm thì xử lý nghiêm minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên những nguyên tắc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành phải xử lý nhanh nhiều vấn đề, đó là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, trước hết là rà soát giải quyết triệt để các vướng mắc chưa phù hợp giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan, tập trung xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài.
"Vấn đề nữa là thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp với nhiều hình thức mà Nhà nước và các địa phương cần quan tâm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng ta coi những doanh nghiệp FDI là người bạn động hành của Việt Nam ở thời điểm chiến lược này, khi mà nhiều Hiệp định thương mại đã đàm phán như TPP sắp ký kết. Việt Nam cần những người bạn như vậy”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong hội nghị hôm nay, rất nhiều lần hơn 1.000 doanh nghiệp dưới hội trường vỗ tay hưởng ứng và đồng tình với những phát biểu của Thủ tướng. Cùng với các cam kết của các Bộ, ngành, các doanh nghiệp hy vọng thời gian tới, môi trường kinh doanh và đầu tư sẽ được cải thiện đáng kể.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, thực chất, ngay chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các thành viên Chính phủ để giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Dự kiến trong cuộc họp Chính phủ đầu tháng 5 tới, Chính phủ sẽ bàn, lấy ý kiến các Bộ, ngành để ban hành một nghị quyết về phát triển doanh nghiệp.