Thủ tướng: Nhà ở cho công nhân cũng là trách nhiệm của các địa phương

VOV.VN -Thủ tướng chỉ đạo, xây dựng nhà ở cho công nhân cũng là trách nhiệm của các địa phương chứ không chỉ của công đoàn.

Sáng nay, 25/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng các bộ, ngành làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm 2018, những nhiệm vụ phối hợp trọng tâm năm 2019, 2020.

Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận là việc triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn, nhất là nhà ở cho công nhân. Thủ tướng nhấn mạnh, đây không chỉ là nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn mà phải là nhiệm vụ phối hợp của các bộ ngành, đặc biệt là trách nhiệm của các địa phương.  

Thủ tướng chủ trì buổi làm việc.

Tại cuộc làm việc lần trước giữa hai cơ quan, Thủ tướng đã kết luận giao 15 nhiệm vụ cho các cơ quan phối hợp xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn. Đến nay các cơ quan chức năng báo cáo đã thực hiện được 10 nhiệm vụ, đang thực hiện 5 nhiệm vụ.

Về vấn đề triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn đã phối hợp với các địa phương để triển khai Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến nay, đã có 41 địa phương đồng ý cấp từ 1 đên 5ha đất để xây dựng thiết chế cho công nhân, trong đó Hà Nam là địa phương đầu tiên triển khai dự án nhà ở cho công nhân.

Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng thiết chế công đoàn là rất quan trọng và Thủ tướng đã trực tiếp thị sát khu nhà ở công nhân tại KCN Đồng Văn 2, Hà Nam. Thủ tướng đặt câu hỏi về thời gian khánh thành dự án này là bao giờ để đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân và cho biết, qua dự án này để rút kinh nghiệm triển khai các thiết chế công đoàn khác. 

Thủ tướng chỉ đạo, xây dựng nhà ở cho công nhân cũng là trách nhiệm của các địa phương chứ không chỉ của công đoàn. Do đó địa phương phải chủ động bố trí đất, giải phóng mặt bằng, thực hiện thẩm định thiết kế, kiến trúc, quy hoạch... “Xử lý rốt ráo như vậy thì mới xây dựng được thiết chế công đoàn”- Thủ tướng nhấn mạnh”. 

Trong triển khai các thiết chế phục vụ công nhân, Thủ tướng lưu ý phải đảm bảo thiết thực với đời sống của công nhân. Ví dụ như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải bố trí người trực bán hàng, phục vụ công nhân làm ngoài giờ, ca đêm có thể mua hàng. Đồng thời có những chương trình ưu đãi như giảm giá đối với công nhân có thẻ công đoàn. 

Về việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ cho công nhân mà Thủ tướng giao Bộ Y tế triển khai, Tổng Liên đoàn cho biết, vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt yêu cầu này, do vướng mắc về vấn đề nhân lực, cơ sở vật chất, chế độ thanh toán thời giờ làm thêm quá thời gian quy định của pháp luật.

Trước thực tế này, Thủ tướng chỉ đạo, đây là chính sách quan trọng đã được Thủ tướng kết luận để chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động. Tuy vậy,  Bộ Y tế giải quyết thấu đáo. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ này phải nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong 15 nhiệm vụ Thủ tướng giao, các bộ, các ngành đã nghiêm túc thực hiện 10 nội dung, còn 5 nội dung đang triển khai phải tiếp tục thúc đẩy triển khai đi vào cuộc sống, không để tình trạng “nói mà không làm”.

Về công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn, Thủ tướng đánh giá, công tác phối hợp được tăng cường, đi vào nề nếp, thực chất hơn và đạt kết quả tích cực, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước. Nêu lên những kết quả đáng khích lệ của đất nước, Thủ tướng cho biết, mới đây, tạp chí US News &World Report vừa xếp hạng Việt Nam thuộc trong 20 quốc gia tốp đầu, đứng thứ 8/80 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, cao hơn cả Chile (9/80) và New Zealand (10/80).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chụp ảnh chung sau phiên họp.

Trong các thành tựu của đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, giai cấp công nhân, người lao động Việt Nam bằng sự cần cù, sáng tạo, miệt mài lao động, sản xuất, không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ mới, làm ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh, góp sức cùng cả nước làm nên những chỉ số kinh tế - xã hội ấn tượng.

Thủ tướng đánh giá thời gian qua, Tổng Liên đoàn và các bộ, ngành đã tăng cường phối hợp trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật,  đặc biệt là các chính sách liên quan đến người lao động như xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Công đoàn 2012 sửa đổi, tham gia xây dựng thực hiện Đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội… Đây được xem là sự phối hợp lớn nhất giữa hai bên.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến người lao động được thực hiện tốt.

Song, hiện nay đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn khó khăn; còn tình trạng trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT; việc xây dựng 50 thiết chế công đoàn còn gặp vướng mắc về Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản,  Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đặt vấn đề: Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho đất nước và công đoàn nhiều vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ, phối hợp giải quyết tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Qua đó, để giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với nông dân và đội ngũ trí thức. Đây là vai trò, sứ mệnh rất lớn của giai cấp công nhân Việt Nam”. 

Thủ tướng đề nghị giai cấp công nhân tiếp tục chủ động, tiên phong tiếp cận tri thức mới, làm chủ khoa học công nghệ, để khẳng định vị trí, vai trò của mình. Trong phối hợp, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục tham gia hiệu quả, tích cực hơn nữa trong xây dựng thể chế và phản biện xã hội, trong đó cần nghiên cứu kỹ Bộ Luật Lao động sửa đổi, nhất là những nội dung quan trọng có ảnh hưởng lớn tới xã hội như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số ngày nghỉ... 

Tổng Liên đoàn cần tiếp tục phối hợp với các địa phương đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, chất lượng bữa ăn cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Với các doanh nghiệp đóng cửa, phá sản thì phải ưu tiên quyền lợi cho người lao động.

Về đề nghị của Tổng Liên đoàn việc hỗ trợ vốn triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của công đoàn, Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu; rà soát, tổng hợp phương án phân bổ để ghi vốn trung hạn 2021-2025 một khoản kinh phí để hỗ trợ cho những thiết chế công đoàn./.

 

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Công nhân lao động bậc cao là động lực của tăng trưởng
Thủ tướng: Công nhân lao động bậc cao là động lực của tăng trưởng

VOV.VN - Sáng 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với 1.000 công nhân lao động tại TP HCM.

Thủ tướng: Công nhân lao động bậc cao là động lực của tăng trưởng

Thủ tướng: Công nhân lao động bậc cao là động lực của tăng trưởng

VOV.VN - Sáng 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với 1.000 công nhân lao động tại TP HCM.

Hôm nay, Thủ tướng sẽ đối thoại với công nhân kỹ thuật cao
Hôm nay, Thủ tướng sẽ đối thoại với công nhân kỹ thuật cao

VOV.VN -Công nhân kỹ thuật cao trong kỷ nguyên 4.0 là động lực trong phát triển đất nước, là đích hướng tới của người lao động.

Hôm nay, Thủ tướng sẽ đối thoại với công nhân kỹ thuật cao

Hôm nay, Thủ tướng sẽ đối thoại với công nhân kỹ thuật cao

VOV.VN -Công nhân kỹ thuật cao trong kỷ nguyên 4.0 là động lực trong phát triển đất nước, là đích hướng tới của người lao động.