Thủ tướng: Phải bình tĩnh, sáng suốt, hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành
VOV.VN - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng nêu rõ: "Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hốt hoảng, hoang mang, lo lắng. Phải giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, đồng thời hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành; không chuyển trạng thái đột ngột".
Sáng 1/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2022 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đặc biệt, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết KTXH thời gian qua khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, CPI bình quân 11 tháng tăng 3,02% tương đương cùng kỳ các năm từ 2018 đến 2021, tín dụng cho nền kinh tế tăng 12,14%, chủ động điều hành tỷ giá lãi suất phù hợp với bối cảnh tình hình, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 16,1% và tăng 17,4% so với cùng kỳ bảo đảm đáp ứng các yêu cầu chi, an ninh năng lượng an ninh lương thực được giữ vững, cơ bản xử lý được tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; thu hút đầu tư xã hội duy trì đà tích cực, vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt gần 19,7 tỷ USD tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 673,82 tỷ USD tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khó khăn, thách thức nhiều hơn, tuy nhiên phải kiên định, kiên trì, kiên quyết thực hiện mục tiêu, kế hoạch.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách vào chương trình, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, TPDN, chứng khoán, BĐS, tuyệt đối không để mất an toàn hệ thống ngân hàng, mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, nhà đầu tư, các chủ thể liên quan theo quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào.
"Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hốt hoảng, hoang mang, lo lắng. Phải giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, đồng thời hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành; không chuyển trạng thái đột ngột. Đối với những vấn đề khó giải quyết không đổ tại luật, quy định mà phải tìm cách khắc phục phù hợp, chủ động đề xuất và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó phải kế thừa, phát huy và nhân rộng những kinh nghiệm quý, bài học hay; khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém. Phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, càng áp lực thì càng nỗ lực, vươn lên. Phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, chủ động thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh mỗi bộ, ngành, đơn vị, đồng thời huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành.
Theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động, linh hoạt có phản ứng chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, chính xác, hiệu quả, dứt khoát; tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản SXKD; bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời; kỷ luật nghiêm minh.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao vai trò người đứng đầu, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới.
Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương. Quán triệt tinh thần chỉ đạo, điều hành bám sát thực tiễn, cập nhật tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp. Tổng kết công tác năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 một cách thực chất, hiệu quả; đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, chỉ tiêu cụ thể, khả thi đưa vào Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ. Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV.
Khẩn trương xây dựng, ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ. Điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Phân loại rõ các ngân hàng, doanh nghiệp theo tình hình hoạt động SXKD để thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp, đúng pháp luật. Đáp ứng phù hợp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thực hiện các dự án dở dang theo quy định, không để đình trệ.
Bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; ôn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư, tháo gỡ vướng mắc của các thị trường TPDN, chứng khoán. Yêu cầu các ngân hàng, doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan thực hiện đầy đủ các cam kết, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với người gửi tiền, nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật và bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đánh giá tổng thể, rõ ràng cung, cầu thị trường theo các phân khúc. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả, có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định pháp luật. Các địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS, nhất là giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất./.