Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

VOV.VN - Sáng 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024 với nhiều nội dung quan trọng. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Phát biểu mở đầu phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chào mừng 5 đồng chí Thành viên Chính phủ mới được phê chuẩn, bổ nhiệm; mong muốn và tin tưởng trên cương vị mới, các đồng chí sẽ không ngừng quyết tâm, nỗ lực, hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cống hiến, đóng góp xây dựng Chính phủ đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, liêm chính, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc.

Trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Cho biết Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Công điện về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các Công điện của Thủ tướng.

Nhìn lại tình hình tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác kiện toàn các chức danh lãnh đạo đã được tổ chức đúng quy định, hoàn thiện đầy đủ; tiếp tục chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong khi đó, tình hình thế giới vẫn diễn biến nhanh, có cả yếu tố tích cực, tiêu cực đan xen, nhưng tiêu cực nhiều hơn.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 7, tính chung 8 tháng tốt hơn cùng kỳ trên các lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ dự Phiên họp tập trung đánh giá trên tinh thần "không tô hồng, không bôi đen; tạo khí thế phấn khởi, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư". Phải nhìn nhận khách quan, sâu sắc, có con số chứng minh cụ thể; đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; phân tích mặt được, mặt hạn chế, bài học kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn.

Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ phân tích, đưa ra các dự báo, nhận định về tình hình tháng 9 và thời gian tới; đề xuất những cơ chế, chính sách giải pháp đột phá; những lĩnh vực cần tập trung; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhất là đối với các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế; tháo gỡ các vấn đề tồn đọng; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại...

"Nhất là chính sách tiền tệ hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, nếu chúng ta không nắm chắc tình hình trong nước ngoài nước chúng ta vội vàng chúng ta chậm chạp một chút thôi hoặc là bỏ lỡ cơ hội hoặc là nó gây hậu quả lớn hơn. Tôi thấy điều hành kinh tế vĩ mô mấy cái năm gần đây là như vậy, hết sức là biến động và rất khó lường, chỉ cần chậm một chút, nhanh một chút là nó khác. Chậm một chút thì có thể gây hậu quả, nhưng mà nhanh một chút có khi lại tạo ra hiệu ứng mà khắc phục những khó khăn. Vì vậy trong quá trình điều hành kinh nghiệm là phải hết sức bình tĩnh. Phải bình tĩnh, bản lĩnh, hiểu biết và xử lý tình huống vừa phải trước mắt nhưng mà phải nghĩ đến cái lâu dài. Trong điều hành thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc phải có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công là phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, phải kiểm tra, đôn đốc phải bám sát tình hình thực tiễn để điều hành,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải hết sức bình tĩnh, bản lĩnh, xử lý tình huống vừa trước mắt vừa lâu dài; tư tưởng phải thông, nỗ lực phải cao, quyết tâm phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó; phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát; bám sát thực tiễn để điều hành.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Chính phủ cũng đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; việc xử lý một số vướng mắc đối với dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Vinh và khu công nghiệp Hoành Sơn tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh; đánh giá tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo tháng 9 và một số nội dung quan trọng khác.

Theo báo cáo của Bộ KHĐT tình hình KTXH tiếp tục đà phục hồi tích cực, nhìn chung kết quả tháng 8 cao hơn tháng 7 và tính chung 8 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, các chỉ tiêu năm 2024 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội.

Tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi NSNN được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép. Tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%) và dự báo của các tổ chức quốc tế, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.

Thu hút FDI là điểm sáng; vốn FDI đăng ký đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất từ năm 2021 đến nay. Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng, an ninh lương thực; không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu, bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) nhận định tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực. Trong đó, Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 từ 5,5% lên 6,1%, HSBC nâng dự báo từ 6% lên mức 6,5%.

Kết luận phiên họp Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương kết quả đã đạt được của các bộ ngành địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được kết quả này khẳng định rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; sự đồng hànhcủa Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự tích cực tham gia, ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương.

Thủ tướng đã chỉ rõ kết quả đạt được và nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại và bài học kinh nghiệm trong đó nêu rõ, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; phải bình tĩnh, công tác chỉ đạo điều hành phải quyết liệt có hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, với tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, làm việc nào dứt việc đấy. Phân phải công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và tăng cường giám sát kiểm tra.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 9, từ nay đến cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng nhiệm vụ của mình xử lý các vấn đề thường xuyên và đột xuất, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, báo cáo ngay những vấn đề vượt thẩm quyền; Tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần: Quyết tâm cao độ - Nỗ lực hết mình - Hành động quyết liệt - Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo đúng mục tiêu đề ra.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; lưu ý không điều hành “giật cục”.

NHNN tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%. Nghiên cứu tăng gói tín dụng hỗ trợ sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản lên 50 nghìn tỷ đồng; thúc đẩy mạnh mẽ gói tín dụng nhà ở xã hội.

Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm. Chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp do Nhà nước quản lý; không tập trung tăng cùng lúc giá điện, giáo dục, dịch vụ khám, chữa bệnh.

Tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ.Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm; đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục giải ngân.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Giao thông Vận tải, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư một số dự án đường sắt quan trọng theo kế hoạch.

Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; Tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài; Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, nâng cao đời sống Nhân dân; Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội.

Thủ tướng giao Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Khẩn trương trình UBTVQH về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2026 và chi đầu tư NSNN giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó lưu ý ưu tiên nguồn vốn cho các dự án có tính kết nối, lan tỏa, nhất là kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.

Các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ tập trung chuẩn bị, rà soát, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ các Đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị kỹ các tài liệu phục vụ Hội nghị Trung ương 10 và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV. Đồng thời, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIVcủa Đảng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tỉnh Lâm Đồng về các dự án cao tốc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tỉnh Lâm Đồng về các dự án cao tốc

VOV.VN - Chiều 4/9, tại Thành phố Đà Lạt, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Khánh Hòa về giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và Nha Trang - Đà Lạt.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tỉnh Lâm Đồng về các dự án cao tốc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tỉnh Lâm Đồng về các dự án cao tốc

VOV.VN - Chiều 4/9, tại Thành phố Đà Lạt, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Khánh Hòa về giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và Nha Trang - Đà Lạt.

Thủ tướng dự khai giảng với thầy trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội
Thủ tướng dự khai giảng với thầy trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội

VOV.VN - Sáng nay (5/9), hòa chung trong không khí tươi vui trong lễ khai giảng năm học mới của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đón năm học mới cùng thầy và trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Cùng dự có Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cùng lãnh đạo các bộ ngành, Thành phố Hà Nội.

Thủ tướng dự khai giảng với thầy trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội

Thủ tướng dự khai giảng với thầy trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội

VOV.VN - Sáng nay (5/9), hòa chung trong không khí tươi vui trong lễ khai giảng năm học mới của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đón năm học mới cùng thầy và trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Cùng dự có Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cùng lãnh đạo các bộ ngành, Thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Đà Nẵng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Đà Nẵng

VOV.VN - Chiều nay (1/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Đà Nẵng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thành phố trong 8 tháng năm 2024. Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Đà Nẵng

VOV.VN - Chiều nay (1/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Đà Nẵng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thành phố trong 8 tháng năm 2024. Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng.