Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tỉnh Thanh Hoá đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Chiều 11/11 Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Cùng tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thượng tướng Nguyên Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, cùng các đồng chí lãnh đạo trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh hóa, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và thành phố Thanh Hóa.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện, tổng thu nhập trên địa bản tỉnh bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2023) tăng khá, ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt hơn 279 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%.
Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021 - 2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.
Quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả; Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp các kiến nghị của tỉnh và góp ý việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, trên cơ sở khơi thông tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tỉnh Thanh Hoá đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề mà tỉnh cần phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm quyết liệt hơn nữa, góp phần đạt mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Ví dụ, động lực tăng trưởng của tỉnh còn phụ thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, hay vấn đề cải cách hành chính cần phải quan tâm hơn nữa.
Thời gian tới, tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh còn nhiều khó khăn, do đó tỉnh phải đoàn kết trong Đảng, hệ thống chính trị, toàn dân, giữa các thế hệ với nhau; nghiêm túc thực hiện hiệu quả Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về Thanh Hoá, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh để phát huy tối đa truyền thống lịch sử hào hùng, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; huy động sức mạnh toàn dân cho sự phát triển; giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cho biết, ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Thanh Hoá, đã yêu cầu Thanh Hoá phải trở thành tỉnh “kiểu mẫu”. Do đó tỉnh phải nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ đối với tỉnh.
Thủ tướng đề nghị về cơ chế, chính sách, tỉnh cùng với Trung ương để làm thông thoáng; về hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông thực sự phát triển; thực hiện “3 thông”, đó là cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý điều hành thông minh; tập trung làm tốt 3 đột phá chiến lược, trong đó tạo đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng, đột phá về con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển. Tăng cường phân cấp, phân quyền rõ ràng, rành mạch, dễ giám sát, kiểm tra, giám sát, khen thưởng kỷ luật nghiêm minh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính triệt để. Tăng cường tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, không lạc quan quá khi tình hình thuận lợi nhưng không bi quan khi tình hình không thuận lợi; phát triển hài hoà giữa kinh tế, xã hội, văn hoá, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Trong mọi trường hợp không được để bị động, bất ngờ về an ninh quốc phòng; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức, đảng viên, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ về đạo đức, năng lực, phẩm chất; tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Rà soát những việc đã làm được, chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan; chú trọng phát triển các khu công nghiệp, góp phần tăng GDP. Từ nay cuối năm, năm 2024 tập trung 3 động lực tăng trưởng, đó là tiêu dùng; xuất khẩu, đầu tư; tạo sinh kế cho người dân; nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công; xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ về khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cải cách hành chính giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai; mở rộng, đa dạng hoá thị trường. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, tập trung phát triển y tế, giáo dục đào tạo; khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, thiếu giáo viên, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, trường học cho phù hợp; phát triển du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi xanh; sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã; đẩy mạnh 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tháo gỡ các khó khăn về các cơ chế pháp lý.
Về các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.