Thực hiện chính quyền đô thị ở Đà Nẵng: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
VOV.VN - Đà Nẵng xác định, khi thực hiện Chính quyền đô thị sẽ gắn với đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
Theo Nghị quyết số 119, ngày 19/6/2020 của Quốc hội, từ ngày 01/7/2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Nghị quyết và theo phân cấp ủy quyền của UBND và Chủ tịch UBND thành phố. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Nghị quyết và theo phân cấp ủy quyền của UBND và Chủ tịch UBND quận. Đà Nẵng xác định, khi thực hiện Chính quyền đô thị sẽ gắn với đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
Trước đây, trong giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã thực hiện phân cấp mạnh mẽ 5 lĩnh vực trọng tâm, phục vụ người dân và tổ chức ngày càng tốt hơn. Trong đó phải kể đến việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, quản lý đầu tư công, quản lý đất đai, quản lý đô thị và quản lý ngân sách. Thế nhưng, trong quá trình triển khai ở cấp sở, ngành, địa phương vẫn chưa được thực hiện mạnh mẽ. Nhiều việc ùn ứ lên cấp thành phố làm chậm đi sự phát triển, các sở ngành quá tải, tạo cơ chế xin - cho.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng cho rằng, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì coi trọng việc xây dựng nguồn nhân lực, trước hết để đáp ứng yêu cầu công việc phải tính đến việc biệt phái, điều động cán bộ. Về hành lang pháp lý, cần khẩn trương rà soát các cơ chế, những vấn đề nào được pháp luật cho phép thì thực hiện; Còn những vấn đề pháp luật chưa cho phép thì phải đề xuất cho phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Theo ông Bùi Văn Tiếng, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không chỉ phân cấp giữa Chủ tịch UBND cấp thành phố với cấp quận, giữa các sở ngành với UBND các quận, huyện mà còn giữa tập thể UBND và cá nhân người đứng đầu UBND cũng phải phân định rõ, rồi phân cấp giữa quận và phường.
"Trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường, việc phân cấp, phân quyền cần phải rạch ròi: “Trên thành phố này, với tư cách là Chủ tịch UBND thành phố có thể ra quyết định. Tuy nhiên có những quyết định chưa đúng, không hợp lòng dân, thì HĐND với vai trò giám sát sẽ thổi còi ngay. Nhưng mà trong bối cảnh thí điểm chính quyền đô thị ở quận và phường thì coi chừng, Chủ tịch UBND với tư cách hành chính với UBND quận, phường thì mối quan hệ này cũng cần đặc biệt quan tâm, nếu không thì sẽ tạo ra điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực hiện” - Ông Bùi Văn Tiếng cho hay.
Ông Võ Công Trí, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật TP Đà Nẵng cho rằng, tiêu chí phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn phải gắn với mô hình chính quyền đô thị chứ không phải thực hiện theo Luật Chính quyền địa phương. Ông Trí phân vân về việc phân cấp cho chính quyền quận, huyện thẩm định quy hoạch phân khu. Bởi từ xưa đến nay, đã xảy ra tình trạng quy hoạch một đường nhưng tổ chức thực hiện một nẻo, làm nát quy hoạch chung.
Ông Võ Công Trí cho rằng, nếu tiếp tục phân cấp cho quận, huyện tràn lan như vậy thì sẽ phân tán không kiểm soát được: “Khi phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố thì phải tính đến một điều kiện rất tiên quyết đó là phải tổ chức gắn với chính quyền đô thị. Chứ còn tất cả mọi thứ theo Luật chung mà mình phân hết về cho quận huyện thì tôi e rằng nó không chính xác hoàn toàn và không đảm bảo được những yêu cầu mình đặt ra trong thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đồng bộ thẩm quyền gắn với điều kiện, khi giao thẩm quyền cho họ tăng lên thì điều kiện phải đảm bảo, thứ hai là trách nhiệm phải đi đôi với nhiệm vụ”.
Ông Tạ Tự Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho biết, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và Nghị quyết 119 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng nêu rõ, UBND TP Đà Nẵng được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công. Như vậy, tất cả những thẩm quyền của HĐND quận, phường trước đây không mất đi mà được chuyển về UBND thành phố.
Ông Tạ Tự Bình cho rằng: “Theo nguyên tắc của Nghị quyết 119 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, thì UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng làm rất chặt chẽ là cũng phải tổ chức cuộc họp, ra quyết định tập thể UBND. Nhưng tất nhiên là phải theo cơ sở là quyết định của cơ chế thủ trưởng chứ không phải theo cơ chế tập thể như là UBND hay là Chủ tịch UBND thành phố như là do Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định”.
Khi thực hiện chính quyền đô thị, thành phố Đà Nẵng tiếp tục phân cấp, phân quyền, ủy quyền để phát huy hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước; đồng thời hướng đến phục vụ tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Việc phân cấp phải phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo từng lĩnh vực và địa bàn đúng quy định của pháp luật, bảo đảm một việc không quá 2 cấp hành chính quản lý. Việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc phân cấp, phân quyền phải chú trọng tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các ngành, địa phương: “Sở Nội vụ sẽ đánh giá lại biên chế, số người làm việc tại các đơn vị để có sự điều động, biệt phái cho phù hợp. Về vấn đề tài chính thì làm sao khi thực hiện Chính quyền đô thị, nguồn tài chính chủ động ở các quận huyện phải cao hơn bây giờ để người ta chủ động. Thứ hai là vấn đề đầu tư thì sở Kế hoạch và Đầu tư phải có quy trình hướng dẫn thủ tục để làm sao các quận, huyện phải chủ động nguồn”./.