Thường trực Chính phủ sôi nổi thảo luận Dự án đường sắt tốc độ cao
VOV.VN - Sáng nay (5/10), Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Xây Dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan trực thuộc Chính phủ.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước.
Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 10, Khoá XIII, Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, với quan điểm “bàn làm, không bàn lùi”. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung trí tuệ, thời gian, công sức xây dựng dự án tiếp tục trình Trung ương, Quốc hội, đặc biệt nghiên cứu, đề xuất việc huy động nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác để triển khai các dự án.
Yêu cầu “quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào, dứt việc đó” và phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”, Thủ tướng yêu cầu cùng với xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, thúc đẩy triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Thảo luận sôi nổi tại phiên họp các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, đây là dự án quan trọng, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Báo cáo tại phiên phọp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, phạm vì đầu tư dự án với điểm đầu tại Thành phố Hà Nội là tổ hợp ga Ngọc Hồi. Điểm cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh là ga Thủ Thiêm. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố với chiều dài tuyến khoảng 1.541km.
Để tối ưu chi phí vận tải, phát huy ưu thế của từng phương thức, kinh nghiệm quốc tế, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, công năng của tuyến đường sắt trên trục Bắc - Nam, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất: xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch có cự ly phù hợp.
Hướng tuyến được nghiên cứu theo các nguyên tắc: phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương; đáp ứng các yêu cầu về điểm khống chế; đảm bảo chiều dài tuyến giữa các điểm khống chế là ngắn nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bình diện và trắc dọc của tuyến; phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyến đi qua; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh... hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực dân cư tập trung đông đúc, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu.
Trên các nguyên tắc này, Bộ GTVT đã thỏa thuận với các địa phương và được các địa phương thống nhất bằng văn bản, đồng thời hướng tuyến đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.
Về bố trí ga, đối với ga khách tuyến đường sắt tốc độ cao bố trí 23 ga hành khách theo nguyên tắc: phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương hoặc tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng; đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện. Phương án bố trí ga khách nêu trên tương đồng với tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải, chiều dài 1.318 km, tốc độ thiết kế 380 km/h, bố trí 24 ga.
Đến nay, vị trí các ga đều đã được thỏa thuận thống nhất với địa phương và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đầu tư, khai thác, trường hợp địa phương hình thành đô thị có quy mô dân số đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật khai thác sẽ nghiên cứu bổ sung ga và giao cho địa phương chủ trì đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.
Tại phiên họp này các thành viên Chính phủ cũng thảo luận về các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc gồm: Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chiều dài khoảng 380km, điểm đầu tại Lào Cai (điểm nổi ray giữa Việt Nam và Trung Quốc), điểm cuối tại cảng Lạch Huyện. Tuyển kết nối Vùng Thủ đô Hà Nội với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai; và tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.