Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 18
(VOV) - Nội dung trọng tâm là cho ý kiến về việc chuẩn bị kì họp thứ 5, Quốc hội khóa 13.
Theo dự kiến, kì họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 21/6 với nhiều nội dung. Trong đó, nội dung quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm là việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bao gồm: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bố trí thời gian thảo luận tại hội trường về việc lấy phiếu tín nhiệm. Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Người đại biểu công tâm, khách quan, không bị tác động, phải độc lập chính kiến và đánh giá tín nhiệm một cách chính xác, chắt lọc thông tin qua ý kiến nhân dân để việc lấy phiếu đạt kết quả”
Về công tác xây dựng pháp luật, trong kì họp tới, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều dự án Luật, trong đó có Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự án Luật đất đai (sửa đổi). Đây là 2 dự Luật quan trọng, đã được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian qua.
Ngoài chương trình nghị sự chính thức, nhiều ý kiến đề nghị Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan gửi báo cáo tới các đại biểu Quốc hội về một số vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm như công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng; việc thực hiện quy định không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán và việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng miếng thông qua đấu giá trong thời gian vừa qua.
Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong chiều nay, đa số ý kiến nhận định: Thời gian qua, trong hoạt động đấu thầu đã xuất hiện tình trạng lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật để thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, đấu thầu mang tính hình thức… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi Luật đấu thầu.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị: Cần cân nhắc một số quy định để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng như quy định về chỉ định thầu hay quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu.
Có ý kiến đề nghị, dự án Luật cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cá nhân đối với từng hoạt động trong quá trình đấu thầu, trong đó làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng chỉ định thầu, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng để chỉ định thầu tràn lan, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình chỉ định thầu./.