Tiếp tục giám sát hàng loạt dự án xảy ra lãng phí "đã có địa chỉ"
VOV.VN - Các cuộc hậu giám sát tối cao của Quốc hội tiếp tục được triển khai, trong đó có các dự án, công trình ”rõ địa chỉ” sử dụng vốn Nhà nước không hiệu quả, lãng phí; để hoang hoá đất đai.
Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa được Quốc hội thông qua chiều 15/11 có giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát việc xử lý 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.
Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả kỳ họp thứ 4 diễn ra chiều cùng ngày, phóng viên đề nghị làm rõ liệu cuộc giám sát tiếp theo căn cứ yêu cầu của Quốc hội phải chăng sẽ đi đến từng địa chỉ được chỉ ra, làm rõ hơn và xác định rõ trác nhiệm hơn và hướng triển khai giám sát để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trả lời báo chí, ông Trần Văn Lâm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết thêm, dánh mục các dự án nêu trên được hình thành sau cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và thể hiện trong 4 phụ lục kèm theo nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
”Quá trình giám sát tối cao, do tính chất, phạm vi rộng, thời gian dài nên báo cáo chỉ nêu các hạn chế, tồn tại nhưng chưa có điều kiện đi sâu làm rõ cụ thể tính chất mức độ, trách nhiệm cụ thể. Do vậy, theo chỉ đạo của UBTVQH về tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát thì các cuộc hậu giám sát tiếp tục được triển khai để xử lý căn bản những vấn đề giám sát tối cao chỉ ra” – ông Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Theo tinh thần đó, Nghị quyết của Quốc hội xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và giao UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội tới đây cần tập trung thực hiện, trong đó có siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường giám sát các nội dung liên quan trong kế hoạch giám sát hàng năm cũng như lồng ghép các hoạt động giám sát chuyên sâu để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó, Quốc hội giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát việc xử lý hàng loạt dự án, cụm dự án, công trình không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí, để hoang hoá đất đai.
Quốc hội cũng giao Chính phủ trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; báo cáo rõ kết quả rà soát phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương; Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.
”Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức khắc phục, đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế, trong đó có các dự án, công trình được nêu ra trong 4 phụ lục” – ông Trần Văn Lâm nói.
Đề cập nội dung này tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định thêm: ”Khi đã có địa chỉ, thời hạn cụ thể thì cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát kỹ hơn, sâu hơn để làm rõ”./.