Tinh gọn bộ máy, làm sao xếp "ghế" tránh để cán bộ "tâm tư"?
VOV.VN - Quá trình tinh giản biên chế đi đôi với tinh gọn bộ máy không phải không gây cho cán bộ tâm tư xáo trộn, nhưng vẫn cần phải giải quyết hài hòa câu chuyện đó với mục tiêu phục vụ nhân dân là trên hết.
Mới đây, Chính phủ ban hành một số nghị định quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của một số bộ, ngành, theo đó có thể thấy rõ cơ cấu tổ chức của nhiều bộ ngành đã được thu gọn.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xóa bỏ 4 tổng cục, Bộ Nội vụ cắt giảm số lượng đơn vị đầu mối từ 23 xuống còn 20 đơn vị (giảm 2 vụ thuộc Bộ và 1 đơn vị sự nghiệp công lập), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giảm từ 23 đơn vị xuống còn 21 đơn vị….
Năm 2018, thực hiện Nghị định 01 của Chính phủ, Bộ Công an đã xóa bỏ 6 tổng cục và giảm gần 60 đơn vị cấp cục, gần 300 đơn vị cấp phòng. Đối với công an các địa phương, sau khi sáp nhập 20 đơn vị PCCC đã giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và 1.000 đơn vị cấp đội.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, tinh giản biên chế đi đôi với tinh gọn bộ máy là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri, bước đầu đã cho thấy những kết quả tích cực, đã tinh giản được biên chế nhưng việc tinh gọn bộ máy vẫn còn nhiều vướng mắc để đạt được mục tiêu tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết của ngành Nội vụ năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý những hạn chế còn tồn tại trong sắp xếp tổ chức bộ máy, ở nhiều bộ chưa đạt yêu cầu, vẫn còn cồng kềnh, một bộ phận công chức, viên chức chưa đủ tầm…, cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Theo PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính quốc gia), việc sắp xếp lại bộ máy thời gian qua ở nhiều cơ quan, bộ ngành cho thấy đã có sự thu gọn về đầu mối, nhân sự cũng đã được sắp xếp. Tuy nhiên, điều mà PGS-TS Ngô Thành Can vẫn còn băn khoăn, đó là việc sắp xếp lại các vị trí lãnh đạo quản lý và tâm tư của cán bộ công chức.
“Khi 2, 3 đầu mối nhập làm 1, trưởng chỉ có 1, số lượng cấp phó bao nhiêu cũng phải thận trọng, vì thế có những người khi sáp nhập đầu mối sẽ không còn giữ chức vụ nữa, do vậy công tác tổ chức cán bộ để giải quyết câu chuyện này sẽ mất rất nhiều thời gian khi xem xét lựa chọn vị trí mới cho cán bộ nhưng không được để ảnh hưởng đến vấn đề quy hoạch”.
PGS-TS Ngô Thành Can cũng cho rằng, “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề này chính là mỗi cán bộ cần xác định cho mình tinh thần trách nhiệm, phải đặt nhiệm vụ phục vụ nhân dân lên trên hết, trước hết vì mục tiêu chung, có vậy mới bớt tâm tư. Theo PGS-TS Ngô Thành Can, Bộ Công an đã làm khá tốt công tác này.
“Năm 2018, là đơn vị có tổ chức bộ máy khá lớn nhưng có thể nói Bộ đã làm rất gọn công tác sắp xếp này, nhiều vị trí thôi giữ chức hoặc phải chuyển nhưng toàn ngành đã có được sự thống nhất để đạt được yêu cầu chung. Đây cũng là ví dụ mà chúng tôi thường lấy ra để làm dẫn chứng cho việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy chưa kể đây là một đơn vị có mô hình hoạt động, tổ chức đặc thù so với nhiều bộ khác”, PGS-TS Ngô Thành Can cho biết.
Tinh gọn, tinh giản bộ máy, biên chế được xem là câu chuyện rất khó và nhạy cảm, bởi liên quan tới vấn đề con người. Làm sao để giữ lại được đúng người, xếp họ vào đúng vị trí phù hợp năng lực, chuyên môn nhằm mục tiêu tinh giản, tinh gọn nhưng vẫn hiệu lực hiệu quả. Bởi nếu không, việc sắp xếp vẫn chỉ mang yếu tố cơ học, nhưng tâm tư của anh em về câu chuyện quy hoạch, thăng tiến, sắp xếp đúng người, đúng vị trí, cộng thêm câu chuyện giảm biên chế sẽ vẫn còn những xáo trộn nhất định.
PGS-TS Ngô Thành Can cho biết, đây là vấn đề khó đối với người làm tổ chức. Một trong những hướng đi quan trọng đó là hoàn thiện lại hệ thống vị trí việc làm sau khi đã thống nhất về tổ chức bộ máy. Hàng loạt nghị định mới của Chính phủ được ban hành thời gian qua cho thấy, công việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức ở nhiều cơ quan, bộ ngành bước đầu đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, việc đặt ra vị trí việc làm còn phụ thuộc vào chức năng nhiệm vụ. Do vậy, sau khi đã có Nghị định về sắp xếp rồi, bước tiếp theo tới đây, các cơ quan, đơn vị sẽ làm rõ từng vị trí việc làm đáp ứng chức năng nhiệm vụ đã được quy định.
Tuy nhiên, theo phân tích của PGS.TS Ngô Thành Can, bước tới đây cũng sẽ khá thuận lợi, bởi để đi tới được các quy định về chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan cũng đã có những định hình rõ ràng những vị trí việc làm để đáp ứng cho những chức năng, nhiệm vụ sắp tới. Nhưng vấn đề ông quan tâm hơn cả là vì có liên quan trực tiếp đến con người, nên những câu chuyện về chế độ, thăng tiến cần được đặc biệt nghiên cứu thêm để đạt được mục tiêu lựa chọn được những cán bộ có đạo đức công vụ, trình độ và năng lực tham gia vào hệ thống điều hành thông suốt, linh hoạt và sáng tạo.
Theo Bộ Nội vụ, năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 07/4/2015. Cũng trong năm 2021, kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương đã giảm 7 tổ chức; cơ quan chuyên môn cấp sở giảm 1.648 tổ chức (giảm 1.440 phòng thuộc sở, giảm 208 chi cục thuộc sở); cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giảm 451 phòng; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015.../.