"Tinh gọn bộ máy phải là một cuộc cách mạng thực sự"
VOV.VN - PGS Lê Minh Thông cho rằng, đổi mới hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả phải được xem là một cuộc cách mạng thực sự, nếu không quyết liệt thì khó thành công.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” tổ chức ngày 15/11, PGS.TS Lê Minh Thông – nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của mình của dân tộc, có thể xem là một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân bước vào một công cuộc mới.
Tinh gọn bộ máy phải được xem là một cuộc cách mạng
Theo ông Lê Minh Thông, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại lực lượng, phải làm lại mô hình tổ chức để tạo ra những động lực mới, nguồn lực mới để tạo sự đột phá phát triển.
Cũng theo ông Lê Minh Thông, trong 7 định hướng vươn mình của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra thì có tới 4 định hướng liên quan đến thể chế. Thể chế là một điểm nghẽn căn bản, là thách thức phải vượt qua để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
"Nhân vật làm nên thể chế chính là hệ thống chính trị. Cho nên đột phá thể chế thì trước hết là đột phá vào cái nơi mà nó sản sinh ra thể chế, đó chính là hệ thống chính trị. Do đó, đổi mới hệ thống chính trị là khâu đột phá tạo ra động lực phát triển. Đổi mới hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả phải được xem là một cuộc cách mạng thực sự, nếu không quyết liệt thì khó thành công”, ông Lê Minh Thông nêu ý kiến.
Theo ông Lê Minh Thông, để đổi mới hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới đầu tiên phải bắt đầu từ đổi mới Đảng. “Đảng phải tiên phong trong đổi mới chính mình về tổ chức và hoạt động”, đồng thời cho rằng, chúng ta xây dựng Đảng về tổ chức, về tư tưởng, về đạo đức rất quan trọng nhưng chúng ta cũng phải chú trọng đến đổi mới về tổ chức công tác cán bộ, vì đây là khâu rất căn bản để tạo ra những động lực mới.
Với bộ máy nhà nước, ông Thông kiến nghị phải tư duy lại để chuyển từ tư duy có quyền sang tư duy phục vụ. Theo đó, cơ quan, công chức nhà nước tư duy mình có quyền thì không ổn mà phải tư duy mình có nghĩa vụ phục vụ, vì chúng ta xây dựng nền hành chính phục vụ.
Nhà nước phải đổi mới tư duy và chỉ làm những việc xã hội, nền kinh tế, doanh nghiệp không làm được, chứ không thể ôm đồm nhiều việc. Nhà nước chỉ tập trung vào vấn đề cần thiết là xây dựng thể chế.
Cùng với đó, Nhà nước cũng phải tinh gọn chính mình trên nguyên tắc phổ quát là đa ngành, đa lĩnh vực. Không chỉ bộ máy Chính phủ mà còn bộ máy chính quyền các cấp, tất cả đều trên nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực để thu gọn bộ máy lại.
Tương tự, ở Quốc hội, ông Lê Minh Thông cho rằng, đã đến lúc Quốc hội phải tinh gọn lại bộ máy. Đồng thời phải đổi mới tư duy lập pháp để chỉ làm luật trong phạm vi được Hiến pháp quy định, tôn trọng quyền lập quy của Chính phủ.
“Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này là phải làm từ trên xuống, tức là phải có chương trình, chủ trương từ trên áp xuống mới thay đổi được. Nếu để các cơ quan tự đề xuất, tự mình đổi mới thế nào thì rất khó", ông Thông cho biết.
Đổi mới công tác cán bộ
Theo ông Lê Minh Thông, cốt lõi nhất trong tinh gọn bộ máy là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy của hệ thống chính trị. Muốn như vậy phải đổi mới công tác cán bộ vì “cán bộ là gốc vấn đề”, “là then chốt của then chốt”. Làm sao cán bộ được lựa chọn một cách minh bạch, cạnh tranh và thực sự đáp ứng được yêu cầu của công cuộc vươn tầm của dân tộc. Theo đó, ông đề xuất 2 giải pháp cụ thể là đổi mới bầu cử để tạo sự cạnh tranh và công khai hóa công tác cán bộ.
"Công tác cán bộ của Đảng nhưng công tác đó chỉ có hiệu quả khi dựa vào dân để lựa chọn cán bộ, đồng thời khắc phục được tình trạng đúng quy trình mà không đúng người. Trao cho cán bộ, đảng viên, nhân dân quyền tham gia vào lựa chọn cán bộ thì chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ", ông Thông nêu ý kiến.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật cũng cho rằng, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi công tác cán bộ phải tiếp tục điều chỉnh và đổi mới toàn diện.
Theo đó, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ; đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nhấn mạnh giải pháp kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, ông Vũ Trọng Lâm cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên. Coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm, bảo đảm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ”. Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền.
“Cần mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán bộ”, ông Vũ Trọng Lâm đề xuất.