“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm tôi nhớ đến hình ảnh Bác Hồ”
VOV.VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm tôi nhớ đến hình ảnh Bác Hồ”. Đó là cảm nhận của bà Vương Phong, cựu nhà báo Tân Hoa xã, người từng có vinh dự được chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những ngày qua, thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần và việc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ cho ông với nghi thức Quốc tang đã được truyền thông Trung Quốc cập nhật nhanh, liên tục, thường xuyên và nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ngay sau khi những tin tức đầu tiên được phát đi vào ngày 19/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi điện chia buồn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ một ngày sau đó, chiều 20/7, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh viếng, chia buồn và ghi sổ tang. Trong sổ tang, ông viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc.”
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đánh giá rất cao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định ông là nhà Mác-xít kiên định, là nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam, cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội, nhận được sự ủng hộ và yêu mến của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam. Ông nhấn mạnh, “sẽ luôn khắc ghi những đóng góp kiệt xuất của đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho quan hệ hai Đảng, hai nước và sự nghiệp phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới”.
Những tình cảm và đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự đồng tình của dư luận nước này.
Bà Vương Phong, một cựu nhà báo của Tân Hoa xã, người đã từng có thời gian sinh sống ở Hà Nội trong thời gian cha bà làm Trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Việt Nam và vinh dự được chụp ảnh cùng Bác Hồ, cho rằng đây là những đánh giá vô cùng xác đáng, đúng như những cảm nhận của bà và nhiều người Trung Quốc khác.
Bà bồi hồi nhớ lại lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi mới gặp ông một lần và được tiếp xúc ở cự ly gần. Tôi có cảm nhận ông là một nhà lãnh đạo rất thân thiện, sáng suốt và dễ gần, một nhà lãnh đạo hiếm có của Việt Nam. Ông có mái tóc bạc, bình dị và luôn mỉm cười với mọi người. Khoảnh khắc đó bất giác khiến tôi nhớ đến một hình ảnh, đó là Bác Hồ khi ở bên mọi người, cảm giác đó thật tuyệt. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương to lớn đối với chúng tôi.”
Với bà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà chính trị, nhà lý luận hiểu biết sâu rộng về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa..., có khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Cuộc chiến chống tham nhũng với thái độ “không khoan nhượng” do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là ông phát động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.
Không chỉ dư luận, truyền thông Trung Quốc cũng dành nhiều lời ca ngợi cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trang Nhà Quan sát của Thượng Hải gọi ông là “nhân vật huyền thoại của Việt Nam” khi đăng những đánh giá của giáo sư Triệu Vệ Hoa, chuyên gia về Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của Đại học Phúc Đán.
Theo chuyên gia này, những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trên 3 phương diện: đối ngoại, đối nội và lý luận. Về đối ngoại, Việt Nam đã duy trì được cân bằng giữa các nước lớn. Về đối nội, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn mang tên “Đốt lò”, tạo nên những thay đổi to lớn trong hệ sinh thái chính trị Việt Nam. Về cải cách thể chế, ông đã đưa ra nhiều biện pháp mang tính đột phá, như cải cách cơ chế giám sát của Quốc hội, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo...
Chuyên gia này còn cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận kiệt xuất khi “trong suốt mấy chục năm hoạt động chính trị, ông đã viết được nhiều tác phẩm và đóng góp không nhỏ vào công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam”.