Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử với TP.HCM

VOV.VN - Lần cuối cùng đến thăm TP.HCM vào tháng 9/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp lắng nghe và có những chỉ đạo quan trọng, kịp thời để sau đó không lâu, Trung ương có những Nghị quyết quan trọng về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của TP.HCM, mà theo lời của Tổng Bí thư đây là “một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng, thành phố nhiều lần Anh hùng, thành phố duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới và luôn gợi nên niềm tin yêu, trìu mến trong đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, được bạn bè quốc tế nể trọng”.

Từ khi trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 15 lần thăm và làm việc tại thành phố mang tên Bác. Lần cuối cùng đến thăm TP.HCM vào tháng 9/2022, ông đã trực tiếp lắng nghe và có những chỉ đạo quan trọng, kịp thời để sau đó không lâu, Trung ương có những Nghị quyết quan trọng về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.

Riêng TP.HCM, Tổng Bí thư là người định hướng, chỉ đạo xây dựng và thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp ký Nghị quyết 31 ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó cũng là tiền đề, là định hướng quan trọng để Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mà thành phố đang nỗ lực triển khai.

Chuyến thăm cuối cùng mang dấu ấn lịch sử với thành phố

Chuyến thăm cuối cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào ngày 23/9, đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2022). Trong ký ức những người dân ở gần Hội trường thành phố buổi sáng 23/9 cách đây 2 năm, sẽ mãi không quên được sự giản dị khi Tổng Bí thư xuất hiện. Không còi hú dẫn đường, không đoàn xe kéo dài, chỉ có 1 xe mô tô cảnh sát dẫn đường cùng với 3 chiếc ô tô đi chầm chậm trên đường phố.

Tại buổi làm việc, ông rất chăm chú xem tài liệu, lắng nghe mọi người phát biểu, ghi chép và sau khi nghe các báo cáo của Thành ủy, Bộ, ban ngành Trung ương, Tổng Bí thư đánh giá: “Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Trung ương Đảng và Nhà nước, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng”.

Đặc biệt, với giọng nói trầm ấm, chậm rãi, đầy xúc động từ ruột gan, Tổng Bí thư một lần nữa chia sẻ với nhân dân TP.HCM và đồng bào Nam Bộ về những mất mát, thiệt hại to lớn về người và của chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tổng Bí thư chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của thành phố như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng. Vai trò đầu tàu, động lực phát triển, tăng cường liên kết vùng của thành phố đối với vùng Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL và cả nước có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, chậm được khắc phục, có mặt ngày càng gay gắt hơn. Phát triển văn hoá chưa tương xứng với vai trò, vị trí của thành phố là một trung tâm văn hoá lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; yêu cầu thời gian tới, thành phố cần rút kinh nghiệm, tìm ra các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để sớm có các giải pháp khắc phục.

Tổng Bí thư đề nghị TP.HCM tiếp tục góp phần xứng đáng cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; và để cùng với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ triển khai thực hiện thành công Nghị quyết mới của Bộ Chính trị.

“Tôi đề nghị các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cùng cả hệ thống chính trị cần tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kịp thời có những chính sách, biện pháp khắc phục có hiệu quả. Những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Trung ương, Quốc hội, Chính phủ xem xét, tạo điều kiện để tháo gỡ; trong đó có cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn so với Nghị quyết 54 của Quốc hội khoá XIV”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Chuyến thăm thứ 15 - chuyến thăm cuối cùng tới thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được giới báo chí và lãnh đạo Thành phố bình chọn là 1 trong 10 sự kiện, vấn đề tiêu biểu năm 2022 của TP.HCM. 

Thành phố sẽ đáp ứng kỳ vọng của Tổng Bí thư

Phân tích về chuyến thăm và làm việc cuối cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TP.HCM gần 2 năm trước, TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu, Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng, đó là chuyến thăm lịch sử. Bởi dù đây là lần thứ 15 đến thăm và làm việc với TP.HCM trên cương vị người đứng đầu của Đảng, nhưng lần này diễn ra trong bối cảnh thành phố vừa trải qua một đợt đại dịch tang thương, mất mát, gần như kiệt quệ… Chuyến thăm thể hiện sự quan tâm, khích lệ, chia sẻ của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư với TP.HCM đã có tác dụng cổ vũ, động viên rất lớn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Tại buổi làm việc này, Tổng Bí thư đã nhắc nhở cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, lợi thế của TP.HCM trong bối cảnh mới; nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và phát triển Vùng Đông Nam bộ nói riêng; Làm rõ hơn nữa quan điểm TP.HCM phải phấn đấu phát triển để "vì cả nước và cả nước cũng vì thành phố này".

Theo TS Bùi Ngọc Hiền, chính nhờ những chỉ đạo của Tổng Bí thư về đảm bảo tính đặc thù, vượt trội mà những Nghị quyết mới đã ra đời và có những kết quả nổi bật như hôm nay. Việc thực hiện thành công Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội sẽ là cách thiết thực nhất để TP.HCM đáp ứng lại mong mỏi, kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Tổng Bí thư có chỉ đạo thành phố phải đảm bảo tính vượt trội, tính mới hơn nữa của Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Điều này chúng ta thấy rất rõ ở trong Nghị quyết số 98 với 44 cơ chế ở 7 lĩnh vực. Có thể nói từ những phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư thấy rằng, chúng ta đã được cụ thể hóa bằng 2 Nghị quyết này. TP.HCM cũng đã thực hiện và đạt được những thành tựu có thể nhìn thấy trong hơn 1 năm khi thực hiện Nghị quyết 98”, TS Bùi Ngọc Hiền nêu.

Còn theo TS Hồ Minh Sơn, Viện Trưởng Viện Phát triển thị trường - Bộ Khoa học và Công nghệ, từ sự chỉ đạo sâu sát, trực tiếp, mang tầm chiến lược của Tổng Bí thư, TP.HCM tiếp tục được “cởi trói” với chính sách vượt trội, cởi mở hơn. Trong đó, thực hiện Nghị quyết 98 đã đem lại nhiều điểm sáng về thu hút nhà đầu tư chiến lược từ doanh nghiệp nước ngoài. 

Nghị quyết 98 tuy không phải là "chiếc đũa thần" giải quyết tất cả vấn đề đang tồn tại của TP.HCM, nhưng là công cụ pháp lý quan trọng tạo động lực về thể chế, nâng cao hiệu quả của nền công vụ; xử lý những điểm nghẽn trong hấp thụ vốn và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng hạ tầng đô thị.

TS Hồ Minh Sơn cho rằng, trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, "hành trang" của TP.HCM trong những năm tiếp theo vẫn còn những khó khăn đeo đuổi. Kinh tế phục hồi chậm so với mục tiêu đề ra; 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng (xuất khẩu, đầu tư công và thị trường nội địa) chưa tạo ra lực đẩy đáng kể; 3 điểm nghẽn thể chế, hạ tầng đô thị và chất lượng nguồn nhân lực chậm cải thiện... thì Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị là định hướng, "dẫn đường"; Nghị quyết 98 của Quốc hội là động lực mới quan trọng.

“Nghị quyết 98/2023/QH15 được xem là động lực mới để TP.HCM bứt phá, phát triển. Vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm làm việc với TP.HCM năm 2022 có ý nghĩa quyết định, giúp TP.HCM có động lực về thể chế, xử lý những điểm nghẽn để bứt phá, xứng tầm là trung tâm kinh tế của vùng và cả nước…”, TS Hồ Minh Sơn đánh giá.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo cán bộ lãnh đạo, đảng viên, trong suốt quá trình hoạt động, đặc biệt là hơn 13 năm giữ cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước. Chính nhờ sự chèo lái, dẫn dắt thực tâm, thực tài của Tổng Bí thư mà "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay". Đóng góp trong sự phát triển của chung đó, với Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, TP.HCM sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là hạt nhân của Vùng Đông Nam bộ và tiếp tục là "đầu tàu kinh tế" của cả nước trong thời gian tới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kí ức biên giới Bản Lầu - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm
Kí ức biên giới Bản Lầu - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm

VOV.VN - Bản Lầu - xã có Chi bộ đảng đầu tiên của huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai là nơi vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm vào năm 2013. Những kí ức về một Tổng Bí thư giản dị, chân thành, sâu sắc hôm nay vẫn lưu giữ vẹn nguyên tại mảnh đất địa đầu Tổ quốc ấy.

Kí ức biên giới Bản Lầu - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm

Kí ức biên giới Bản Lầu - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm

VOV.VN - Bản Lầu - xã có Chi bộ đảng đầu tiên của huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai là nơi vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm vào năm 2013. Những kí ức về một Tổng Bí thư giản dị, chân thành, sâu sắc hôm nay vẫn lưu giữ vẹn nguyên tại mảnh đất địa đầu Tổ quốc ấy.

Thương tiếc Tổng Bí thư thì phải vượt khó khăn để xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp hơn
Thương tiếc Tổng Bí thư thì phải vượt khó khăn để xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp hơn

VOV.VN - Nhờ những quyết sách đúng đắn của Trung ương với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khu vực miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã thay đổi, phát triển vượt bậc.

Thương tiếc Tổng Bí thư thì phải vượt khó khăn để xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp hơn

Thương tiếc Tổng Bí thư thì phải vượt khó khăn để xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp hơn

VOV.VN - Nhờ những quyết sách đúng đắn của Trung ương với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khu vực miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã thay đổi, phát triển vượt bậc.

Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư
Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư

VOV.VN - Trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần về thăm, làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Cán bộ và nhân dân Tiền Giang luôn dành tình cảm đặc biệt cho ông và phấn đấu làm tốt những lời người căn dặn để xây dựng quê hương ngày càng vươn lên hòa nhập vào sự phát triển của đất nước.

Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư

Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư

VOV.VN - Trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần về thăm, làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Cán bộ và nhân dân Tiền Giang luôn dành tình cảm đặc biệt cho ông và phấn đấu làm tốt những lời người căn dặn để xây dựng quê hương ngày càng vươn lên hòa nhập vào sự phát triển của đất nước.