“Tranh đấu” – tờ báo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam
VOV.VN -“Tranh đấu” là một sự kiện lịch sử của ĐCSVN, một di sản quý trong
lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và lịch sử báo chí cách mạng nói
riêng.
lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và lịch sử báo chí cách mạng nói
riêng.
Trước ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), 3/2/1930, các tổ chức cộng sản Việt Nam hoạt động ở trong nước ta đã xuất bản nhiều báo và tạp chí, nhân danh Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy…
Sau hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, các báo và tạp chí đó ngừng xuất bản và một tờ báo là cơ quan Trung ương của Đảng đã thay thế. Ngày 15/8/1930, báo “Tranh đấu” ra số 1 do Trịnh Đình Cửu chỉ đạo biên tập, in ở một cơ sở bí mật trong nước.
Báo “Tranh đấu” khổ rộng 315 x 220mm, in bằng chữ bút thép trên giấy sáp. Số 1 có 4 trang, mỗi trang 3 cột. Ở trang nhất, mở đầu có Mấy lời tuyên cáo (in nối tiếp sang trang 3, trang 4) viết: “Các đoàn thể và các phần tử cộng sản lẻ tẻ trong nước bây giờ đã thống nhất lại một đảng gọi là ĐCSVN. Vì thế mà các cơ quan Trung ương tuyên truyền của các đoàn thể xưa kia đã hết nhiệm vụ lịch sử và đã phải đình bản. Ngày nay, báo Tranh đấu này ra đời làm cơ quan Trung ương của Đảng để thống nhất, để hướng đạo tư tưởng và hành động cho cả toàn thể đồng chí và quần chúng lao khổ”.
Báo giải thích vì sao lấy tên “Tranh đấu?”: “Cái tên này không phải ngẫu nhiên do một cái chí hướng tốt, hoặc một cái ước vọng cao cả của Đảng mà chưa có căn cứ vào đâu, nhưng chính là cái tiêu biểu của sự thiết thực trong thời kỳ lịch sử ở xứ sở ta ngày nay. Kìa, từ Bắc chí Nam, hàng nghìn hàng vạn người quần chúng công nông bị đế quốc chủ nghĩa, địa chủ, tư bản cướp cơm, giật áo, ngược đãi, tàn sát hàng ngày, đã cùng đường phải hô nhau lên đường tranh đấu thành thị, thôn quê; mà ĐCS đã trở thành một lực lượng phát động dẫn tạo quần chúng đấu tranh. Hoàn cảnh thực tại là hoàn cảnh sôi động đấu tranh, trách nhiệm hiện tại phải lăn lộn hoạt động cùng quần chúng đấu tranh. Bộ Trung ương vì ý nghĩa ấy mà lấy tên Tranh đấu cho cơ quan tuyên truyền này”.
“Tranh đấu sẽ tiến hành thành công cuộc thống nhất tư tưởng hành vi toàn Đảng; sẽ báo cáo, giải thích những án nghị quyết của Quốc tế Cộng sản và của Đảng, về phương pháp tổ chức quần chúng đấu tranh, sẽ hết sức bài trừ tư tưởng sai “biệt phái chủ nghĩa”…
“Tranh đấu thỉnh cầu tất cả các đảng viên và anh chị em lao khổ giúp sức, làm cho tinh thần tranh đấu mỗi ngày một cao, tiếng gọi Tranh đấu mỗi ngày một lan rộng, nghe xa”.
Từ trang 1, tiếp ở các trang sau có bài “Tình hình trong nước và trách nhiệm của Đảng”. Sau bài “Mấy lời tuyên cáo” nêu trên, đây là bài chủ yếu của số báo.
Bài báo phác qua tình hình đấu tranh sôi nổi kế tiếp nhau không dứt trên cả nước, mỗi ngày mỗi lan rộng, mỗi ngày một kịch liệt “trước còn ôn hòa, sau xung đột đổ máu; quần chúng lại càng ngày càng thêm cương quyết, hăng hái và dũng cảm, hy sinh lạ thường”.
Nguyên nhân của tình hình ấy là do “khủng hoảng kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng cơ cực, sinh hoạt đắt đỏ, sức mua ngày một eo hẹp hơn. Thực dân Pháp càng ra sức bóp nặn nhân dân lao động” để bù vào những thiệt hại do khủng hoảng kinh tế gây ra “phá sản, thất nghiệp, đói kém lại thêm dữ dội, nỗi thảm thê cay đắng lại thêm bội phần sâu sắc”.
Trong tình trạng sống dở chết dở, cùng đường, buộc quần chúng phải vùng lên tranh đấu. “Nếu không hiểu thấu đáo như thế, thì không thể nào hiểu được cái chí cương quyết đấu tranh của quần chúng”.
Thực dân Pháp thấy rõ nguy cơ của chúng nên tìm mọi cách củng cố bộ máy thống trị, ra sức đàn áp các chiến sỹ cách mạng, đối phó phong trào cộng sản, đồng thời lừa phỉnh quần chúng bằng những cải lương vụn vặt và xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết làm lợi khí bóc lột. “Khủng bố, cải lương chẳng những không hiệu quả gì, mà lại làm cho quần chúng giác ngộ thêm, oán tức thêm và hăng hái thêm. Những trận vừa qua chỉ là những trận nhỏ báo hiệu trước đó thôi. Trận tranh đấu sau này sẽ dữ dội bằng mấy lần trước và gây lên một phong trào cách mệnh lớn lao lay chuyển cả nền tảng đế quốc chủ nghĩa và phong kiến”.
Trong tình hình này, Đảng phải chuẩn bị đưa phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao hơn nữa, phải vạch mặt những hành động giả dối của kẻ thù và bóc trần bọn quốc gia cải lương, đẩy mạnh đấu tranh giai cấp, chống những thủ đoạn bóc lột mới, chống khủng bố. Kết hợp tuyên truyền khẩu hiệu chống đế quốc với chống phong kiến, củng cố và mở rộng vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản.
“Muốn làm đầy đủ những trách nhiệm lớn lao ấy, Đảng phải khuếch trương công hội, nông hội vận động, liên lạc mật thiết với nhà máy, đồn điền, mỏ, làng xã, tăng sự hoạt động đảng viên trong quần chúng, bài trừ cho tiệt những thái độ rụt rè và xu hướng sai nhầm của đảng viên làm cả trở sự hoạt động của quần chúng, phải lấy tranh đấu làm căn bản”.
Ở trang 3, có câu nhắc lại phương châm Đảng giáo dục và lãnh đạo quần chúng, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của quần chúng.
Về thời sự, báo đưa tin cuộc bãi công lớn của công nhân công ty xe điện ở Thượng Hải tháng 6 và tháng 7/1930; về phong trào Xô viết ở Trung Hoa; về phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống đế quốc Anh; về cuộc tổng bãi công của công nhân miền Bắc nước Pháp.
Báo “Tranh đấu” còn có bản dịch ra chữ Nôm để phổ biến chủ yếu ở nông thôn, khi ấy chữ Nôm còn đang thịnh hành.
Thực dân Pháp ra sức dò la theo dõi hoạt động của ĐCS. Chúng phát hiện ra Trung ương ĐCSVN vừa xuất bản tờ “Tranh đấu” và bằng cách nào đó, sở mật thám Pháp đã có được ngay tờ báo này, liền cho dịch toàn văn, không sót một chữ ra tiếng Pháp để cho quan chức Pháp nghiên cứu, đối phó.
Không biết sau số 1, “Tranh đấu” có ra được số tiếp theo hay không? Khi Đảng phát động cao trào quần chúng đấu tranh, địch điên cuồng đối phó, công tác hết sức bận rộn, biết bao việc trước mắt và lâu dài đòi hỏi giải quyết khẩn trương, lại bắt tay vào chuẩn bị văn kiện cho Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp vào tháng 10/1930, không có người chuyên trách biên tập và xuất bản nên có thể phải ngừng.
Sau Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, với các nghị quyết mới, “Tranh đấu” không tục bản. Tờ báo mới mang tên “Cờ vô sản” là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng ra đời tháng 1/1931.
“Tranh đấu” là một sự kiện lịch sử của ĐCSVN, một di sản quý trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và lịch sử báo chí cách mạng nói riêng./.