Tự do báo chí không có nghĩa là tự do để hỗn loạn
VOV.VN - Dẫu có sự tự do, vũ trụ vẫn tồn tại với những ràng buộc nào đó, có quy luật nào đó dù bên ngoài vũ trụ khá tự do.
Chúng ta đang sống giữa vũ trụ. Ngày ngày chúng ta đều nhìn thấy mặt trời mọc đằng Đông và lặn đằng Tây. Học tự nhiên ở phổ thông, ai cũng biết trong vật chất có những phân tử chuyển động tự do. Nhưng khi còn bé tôi luôn tự hỏi, trong thế giới vật chất hữu hình, khi có những phân tử nguyên tử tự do, vẫn còn điều gì đó, quy luật nào đó khắc chế để sự tự do không tự thân tan rã, vật chất vẫn có hình hài cụ thể của nó trong một nhiệt độ, một môt trường nhất định. Ví thế kim loại tuy có nguyên tử tự do vẫn giữ được hình thể nào đó.
Như vậy dẫu có sự tự do, vũ trụ vẫn tồn tại với những ràng buộc nào đó, có quy luật nào đó dù bên ngoài vũ trụ khá tự do.
Ngày trước, người lao động Việt Nam ta sang Đức hiểu tự do rất buồn cười. Anh em lao động có cháu mở nhạc rất to, làm huyên náo, để ảnh hưởng khu dân cư và nhà máy phê bình. Khi họp đội tôi nhắc nhở, có cháu ngồi họp thì sợ đội trưởng, không nói, song ra ngoài bảo, ở phòng tao, tao muốn làm gì thì làm chứ. Cậu thanh niên ấy chưa hiểu là sự tự do ở phòng mình là đúng nhưng nó chỉ có lý khi không được ảnh hưởng tới cộng đồng quanh phòng họ. Kỳ họp sau của đội, tôi bảo anh bạn trẻ, anh có dám tự do chạy xe máy ra đường một chiều không?
Sự kiện ở Pháp, 2 kẻ khủng bố xông vào bắn chết 12 người không có vũ khí, họ chỉ có ngòi bút, là một sự tồi tệ, dã man và không được ai ủng hộ. Tôi đã tham gia chiến tranh tàn khốc nếm trải đủ nên càng muốn chống chủ nghĩa khủng bố. Còn gì khủng khiếp hơn khi ta, những người yêu cuộc sống, yêu hòa bình nhìn những thước phim tụi khủng bố lái máy bay bay đâm vào tháp đôi bên Mỹ, để hàng trăm người vô tội biến ra tro bụi...
Nhưng sự kiện xảy ra ở Pháp ấy, tôi mang ra hỏi bốn người bạn Việt ngồi với tôi ở cafe Nhân, thì cả bốn người Việt Nam gồm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, họa sỹ Lê Thiết Cương, họa sỹ nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên và một họa sỹ nữa, đều thấy bạo lực là đáng lên án, nhưng báng bổ tôn giáo khác là không nên.
Tôi thương tiếc những sinh mạng tay không bị bắn chết, thương tiếc cả thanh tra cảnh sát Pháp vì nhiệm vụ bảo vệ an ninh Paris mà bị bắn chết ngoài đường, song tôi suy nghĩ, nếu cứ nhân danh tự do báo chí, tự do ngôn luận mà báng bổ, làm tổn thương các dân tộc khác biệt nền văn hóa với mình, báng bổ cả đức tin thiêng liêng tôn giáo của các dân tộc khác, thì đó có phải là sự thiện tâm hay không?
Bởi suy cho cùng tự do để làm gì, có phải sự tự do của nền báo chí mục tiêu cuối cùng là con người được tử tế, thiện tâm hơn không? Các dân tộc có thể chia sẻ, chung sống hòa bình hay không? Thử nghĩ xem, bạn yêu mẹ vô cùng, dù mẹ bạn xấu thế nào đi chăng nữa, lạc hậu đến đâu chăng nữa, nếu ai đó mang mẹ bạn ra công chúng, ra đám đông diễu cợt thì bạn sẽ tổn thương ra sao.
Ngay sau khi sự kiện ở Pháp xảy ra, Đức giáo hoàng Francis cũng nhấn mạnh rằng, quyền tự do ngôn luận cần phải được bảo vệ nhưng cũng phải không được đi quá giới hạn nhất là khi nó “đụng chạm” đến tôn giáo của người khác.
Tôi nghĩ nhà nước phương Tây cần phải nghiên cứu vấn đề này, không để tự do báo chí vô giới hạn làm đau đớn tổn thương tinh thần hàng triệu người các dân tộc khác khi họ theo đuổi một tôn giáo nào đó hay có đức tin nào đó. Nhân danh sự tự do vô hạn của báo chí mà làm đau đớn bao người khác, chạm vào đức tin thiêng tiêng của họ, đâu phải là tính thiện, nó chính là sự tự do bất chấp các quy luật sống chung của nhân loại và vũ trụ.
Sự tự do khi mà dấy lên sự phản ứng, tạo điều kiện cho các âm mưu chính trị kích động thù hận cực đoan, sẽ trở thành tự do vô lối và, tuy không phải là súng nổ , cũng làm ngòi bút trở nên “bút máu” mà thôi. Mà “Máu chảy ở tinh thần, tâm hồn con người” thì ghê gớm chả kém gì máu thực phải đổ ra cho nhân loại./.