Trong 5 năm, khởi tố điều tra gần 12.000 vụ án tham nhũng, kinh tế
VOV.VN - Từ năm 2013 đến 2018, các cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra 11.996 vụ với tổng số 17.153 bị can thuộc các tội danh về tham nhũng, kinh tế.
Chiều 18/5, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm trưởng đoàn chủ trì cuộc họp công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Đảng ủy Công an Trung ương.
Cùng dự buổi làm việc có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp (ảnh: TTXVN) |
Theo dự thảo báo cáo của Đoàn kiểm tra số 1, trong những năm qua, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được kết quả ngày càng cao. Kết quả thu hồi tài sản trong giai đoạn điều tra từ năm 2013 đến 2018, các Cơ quan điều tra trong lực lượng Công an đã khởi tố điều tra 11.996 vụ với tổng số 17.153 bị can thuộc các tội danh về tham nhũng, kinh tế, đã thu hồi tài sản hơn 75.840 tỷ đồng. Một số vụ án có số tiền thiệt hại lớn nhưng với quyết tâm cao của lực lượng công an, số tiền, tài sản thu được đạt 100%.
Phát biểu tại buổi làm việc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 nêu rõ: Việc kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng là hoạt động thường xuyên, hàng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đợt kiểm tra lần này, Ban Chỉ đạo lựa chọn kiểm tra chuyên đề về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Đảng uỷ Công an Trung ương xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Đánh giá tình hình cho thấy, công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng thời gian qua có những chuyển biến tích cực, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản tham nhũng lại chưa đáp ứng được yêu cầu, từ đó ảnh hưởng xấu và giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói: “Tỷ lệ tài sản được thu hồi tuy có chuyển biến song nhìn chung tỷ lệ còn thấp. Qua kiểm tra, chúng ta chỉ ra những cơ chế, chính sách nào còn thiếu, bất cập, khó thực hiện để kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo tháo gỡ hoặc kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng”.
Cũng trong chiều 18/5, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm trưởng đoàn chủ trì cuộc họp công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng dự buổi làm việc có ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo dự thảo báo cáo của Đoàn kiểm tra số 1, trong thời gian qua, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tăng cường chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tích cực thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, ngoài việc bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng quy định pháp luật, công tác thu hồi tài sản cũng được chú trọng, Viện kiểm sát nhân dân các cấp chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra kịp thời xác minh, áp dụng các biện pháp thu, giữ, kê biên, phong tỏa tài sản theo quy định của pháp luật, kịp thời ngăn chặn đối tượng chuyển nhượng, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản, nhằm thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự, Viện kiểm sát các cấp tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, Tòa án trong việc vận động, động viên, thuyết phục các đối tượng phạm tội và người thân tự nguyện giao nộp tiền, tài sản, khắc phục thiệt hại đã gây ra để được xem xét giảm nhẹ hình phạt, đây được coi là biện pháp thu hồi hiệu quả.
Số tiền các bị can, bị cáo tự nguyện khắc phục trong quá trình điều tra giải quyết vụ án là 2.371 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng số tiền đã thu hồi, nhiều vụ án được bị can, bị cáo tự nguyện giao nộp 100% tài sản đã chiếm đoạt...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, thông qua kiểm tra sẽ giúp cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đánh giá đúng thực trạng, tìm ra những vướng mắc, tồn tại để kiến nghị điều chỉnh. Các đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi nên yêu cầu về năng lực của cơ quan điều tra phải ngày càng nâng lên. Nếu năng lực của cán bộ yếu, tâm không trong sáng thì không thể thu hồi tài sản cho Nhà nước./.
Tăng cường thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án tham nhũng
Trưởng ban Nội chính TƯ: Hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp