Trưởng Ban Kinh tế TƯ: Việc quản lý đất đai tại Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, khó khăn
VOV.VN - Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc quản lý đất đai tại Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19.
Sáng 7/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Báo cáo tại buổi làm việc, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, thành phố đã bám sát và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thay đổi nhanh chóng diện mạo của thành phố, tăng khả năng tích lũy, tái sản xuất mở rộng của Nhà nước và người dân.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, Đà Nẵng là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam và là thành phố cảng có vị trí chiến lược của miền Trung, có bờ biển dài, vịnh nước sâu, cảng Tiên Sa là điều kiện phát triển kinh tế tổng hợp. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 43 về xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 119 về thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
Ông Trần Tuấn Anh nhận định, quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả tích cực và khả quan. Việc thực hiện tốt Nghị quyết 19 của Trung ương tại thành phố đã giữ vững trật tự chính trị xã hội. Nguồn lực về đất đai đã được phát huy và trở thành nội lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hạn chế được việc sử dụng lãng phí nguồn lực đất đai, hạn chế dần tham nhũng tiêu cực trong quản lý Nhà nước về đất đai, từng bước phát triển minh bạch thị trường bất động sản và giảm tối đa các khiếu nại tố cáo tranh chấp về đất đai.
Quy hoạch sử dụng đất của thành phố đã thống nhất với quy hoạch đô thị và quy hoạch của ngành. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi sử dụng đất của thành phố đi vào quy củ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương những năm qua. Việc áp dụng pháp luật về quản lý đất đai tương đối linh hoạt, hiệu quả, đặc biệt là cải tiến thủ tục hành chính trong giải phóng mặt bằng đã thu hút được các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, thu ngân sách nhà nước.
"Việc thực hiện các giải pháp công cụ về quản lý đất đai trên địa bàn thành phố về cơ bản đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quỹ đất phục vụ cho sản xuất công nghiệp, kết cấu hạ tầng, đô thị được mở rộng, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa và phát triển đô thị. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai có những chuyển biến, bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai từng bước được củng cố và kiện toàn" - ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc quản lý đất đai tại Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19. Đó là chưa thực hiện tốt một số nội dung quản lý về đất đai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất cho thuê đất, công tác định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng… Lợi ích của người dân chưa tương xứng với lợi ích kinh tế, nguồn lực về đất đai chưa được khai thác triệt để, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, sử dụng đất lãng phí. Thành phố còn lúng túng trong xử lý các vấn đề về đất đai sau khi thực hiện các kết luận về thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Trung ương.
Thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XI, ông Trần Tuấn Anh ghi nhận những ý kiến đóng góp của Đà Nẵng đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chỉ đạo và cho rằng, đây là những ý kiến quan trọng, thiết thực về những vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ban Chỉ đạo và chỉ đạo các đơn vị, địa phương của thành phố ngoài việc kịp thời bổ sung những thông tin cần thiết để phục vụ Tổng kết cần khẩn trương làm rõ những vấn đề chưa rõ khi Ban Chỉ đạo có yêu cầu để kịp thời tổng hợp ý kiến trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương theo đúng kế hoạch đề ra./.