Tự ứng cử vào Quốc hội và HĐND: Dân ủng hộ những đại biểu bản lĩnh, trí tuệ, tài năng
VOV.VN - Cánh cửa luôn rộng mở cho người tự ứng cử. Quan trọng là người ứng cử đủ có tự tin, quyết tâm để trở thành người đại biểu của nhân dân hay không?
Bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ là dịp để những người đủ đức, đủ tài, đủ trí tuệ ứng cử và tự ứng cử vị trí người đại biểu dân cử. Tuy nhiên, có một thực tế, số lượng người tự ứng cử và trở thành ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp còn thấp.
Quốc hội khóa XIII có 4 trong tổng số 15 người tự ứng cử, trúng cử và Quốc hội khóa XIV chỉ có 2 trong tổng số 11 người tự ứng cử trúng cử. Ở HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 và 2021, tỷ lệ người tự ứng cử trúng tuy có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng vẫn thấp. Ví dụ như ở cấp tỉnh chỉ có 0,15 % và ở cấp huyện là 0,01 % và ở cấp xã là 0,1 %.
Cần làm gì để khuyến khích những người thực tài, thực tâm, có mong muốn trở thành đại biểu dân cử ? Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Nếu người tự ứng cử có bản lĩnh, trí tuệ, tài năng thì họ nên tự tin ứng cử.
PV: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có 4 đại biểu Quốc hội tự ứng cử, khóa XIV có 2 đại biểu tự ứng cử. Tại nhiệm kỳ này, cơ hội mở cho những người tự ứng cử rất rộng, lên tới 10%, tương đương với 50 người. Cần làm gì để khuyến khích những người thực tài, thực tâm, có mong muốn trở thành người đại biểu dân cử?
Ông Lê Như Tiến: Tôi đánh giá cao những người tự ứng cử trong các nhiệm kỳ Quốc hội vừa rồi. Ví dụ như GS-Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí, phát huy rất tốt vai trò đại biểu dân cử.
Một số đại biểu Quốc hội tự ứng cử làm rất tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình trong cả ba lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Họ giữ mối liên hệ với cử tri rất thân thiết, khăng khít và được cử tri đánh giá cao và nếu họ ứng cử tiếp tục thì cử tri cũng nói rằng “chúng tôi sẵn sàng bỏ phiếu cho những người tự ứng cử có bản lĩnh, trí tuệ, tài năng”.
Nguyên nhân chính là bản thân cử tri cũng chưa thật sự tin cậy người tự ứng cử. Ngược lại, những người tự ứng cử cũng phải xem lại mình đã đủ bản lĩnh, đủ trình độ, đủ tâm và tầm để thuyết phục được cử tri chưa? Đó chính là hai phía.
Chúng ta không hạn chế những người tự ứng cử và chúng ta tạo mọi điều kiện, Hội đồng bầu cử quốc gia cũng như Ủy ban bầu cử các tỉnh cũng tạo mọi điều kiện cho những người tự ứng cử hoàn thành các thủ tục, động viên những người tự ứng cử hãy tự tin, bản lĩnh và quyết tâm trở thành người đại biểu của nhân dân.
PV: Trên thực tế thì cũng có những người tự ứng cử tập trung nhiều ở các thành phố lớn như là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, còn các địa phương khác thì có rất ít người tự ứng cử. Theo ông, vì sao có tình trạng này?
Ông Lê Như Tiến: Theo tôi nghĩ, có tình trạng này là do số lượng đại biểu phân bổ là có có hạn định, thường một tỉnh chỉ có một số lượng rất ít ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Quốc hội, một đồng chí là lãnh đạo tỉnh, một đồng chí ở cấp sở, ban, ngành rồi là một người hoặc là giáo viên hoặc là cán bộ, công chức.
Trong khi cơ cấu lại kèm vừa nữ, vừa trẻ tuổi thì số lượng ở một tỉnh đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội là không nhiều. Thêm vào đó, một số đại biểu từ Trung ương gửi về nữa, vậy là rất áp lực đối với người tự ứng cử ở các địa phương.
PV: Sau khi hiệp thương vòng 1 kết thúc, Quốc hội đã ra nghị quyết về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội. Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “cửa cho người tự ứng cử là rất rộng”. Nhưng trên thực tế thì qua hiệp thương vòng 1, có rất ít người tự ứng cử. Liệu tỷ lệ phấn đấu lần này (từ 5 đến 10%) trong cơ cấu người tự ứng cử có khó thực hiện không?
Ông Lê Như Tiến: 5 đến 10% đó là một con số khá lớn, có nghĩa là khoảng 25 đến 50 người, nếu 10% thì là 50, nếu 5% là 25 người, có nghĩa là cánh cửa rộng mở. Có điều là những người tự ứng cử có tự tin, có quyết tâm để trở thành người đại biểu của nhân dân hay không. Và cử tri, nơi mà ứng cử viên đó ứng cử, có tin cậy và có hiểu, nắm chắc được ứng cử viên đó không để mà ủng hộ, tự tin bỏ phiếu cho họ, đó là cả hai phía.
PV: Qua thống kê thì số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND thì phần lớn là doanh nhân và một số ít là người hoạt động sự nghiệp. Vậy đâu là lý do mà các đối tượng khác chưa tham gia vào tự ứng cử?
Ông Lê Như Tiến: Cái này cũng dễ hiểu thôi. Doanh nhân và những người lao động tự do thì họ sẽ tự ứng cử, họ tự nộp hồ sơ, nộp đơn xin ứng cử. Còn những người trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong bộ máy nhà nước thì họ phải được sự đồng ý và được các cơ quan, đơn vị và tổ chức trong bộ máy nhà nước giới thiệu. Đấy cũng là quy định của Đảng, cho nên đó cũng chính là cái khó khăn đối với những người tự ứng cử nhưng mà đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, bộ máy nhà nước.
Ngoài các phẩm chất, năng lực của người tự ứng cử thì bản thân cử tri cũng phải tin tưởng vào người tự ứng cử. Hai nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội thì tôi cũng thấy tâm đắc điều này, tức là không nên có những can thiệp của tổ chức bầu cử, như là sự định hướng đối với cử tri.
PV: Chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND, có cơ chế nào để khuyến khích người dân tự ứng cử?
Ông Lê Như Tiến: Nhà nước chúng ta đã không hạn chế việc tự ứng cử của mọi công dân. Vấn đề là mọi công dân Việt Nam có đủ điều kiện và có đủ tiêu chuẩn hay không, trước hết là trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp. Thứ hai là có phẩm chất đạo đức, có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Thứ ba là gắn bó mật thiết với cử tri, với nhân dân để đưa tiếng nói của cử tri, của nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội.\
Và tiếp theo đó chính là những người xuất sắc trong nhân dân, trong đơn vị, trong tổ chức, trong bộ máy nhà nước. Những người xuất sắc đó chính là người hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và những người được cử tri, được nhân dân nơi công tác, nơi cư trú tín nhiệm giới thiệu làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội.
PV: Để thu hút được nhiều người thực tâm, thực tài tự ứng cử thì quy trình và quy định và các tiêu chuẩn mà những ứng cử viên cần phải vượt qua là như thế nào?
Ông Lê Như Tiến: Các quy trình thì rất nhiều theo Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, rồi quy định trong Chỉ thị của Đảng, quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia, của Ủy ban thường vụ Quốc hội… Rất nhiều quy định nhưng mà tựu trung lại là những quy định chặt chẽ qua ba bước hiệp. Qua những lần hiệp thương đó, không phải chỉ có Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố mà phải có Mặt trận Tổ quốc.
Mặt trận Tổ quốc là kênh để đánh giá, xem xét đối với các ứng cử viên, đặt lên bàn cân xem lựa chọn ứng cử nào… Nếu chưa đủ số lượng thì động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cho những người tự ứng cử tiếp tục ghi danh, chứ luật pháp không hạn chế người tự ứng cử mà chỉ hạn chế là tổng số đại biểu Quốc hội mỗi nhiệm thì là 500 người.
PV: Theo ông, làm thế nào để những người tự ứng cử có Chương trình hành động và tiếp xúc cử tri bình đẳng như các đại biểu khác?
Ông Lê Như Tiến: Như tôi đã nói, bản lĩnh, năng lực, trình độ của các ứng cử viên thể hiện tập trung vào chương trình hành động để báo cáo trước cử tri. Thường là trước khi bầu cử, ứng cử viên được dành thời gian khoảng 10 đến 15 ngày liên tục để đi vận động bầu cử tại các địa phương mà mình ứng cử. Đó chính là cơ hội tốt để mình tự thể hiện phẩm chất, năng lực và trình độ của mình. Giai đoạn này thường áp lực rất lớn nhưng mình phải bỏ qua áp lực và chuyển tâm thế từ thách thức thành cơ hội. Đây là cơ hội tốt để mình chứng minh với cử tri nơi mình ứng cử rằng “tôi sẽ làm như thế nếu trúng cử….”.
PV: Chương trình hành động như thế nào thì thường được cử tri ủng hộ?
Ông Lê Như Tiến: Kinh nghiệm của tôi cho thấy, bà con cử tri rất thân thiện nhưng họ muốn ứng cử viên phải nói rõ, nói trúng, nói thật, không vòng vo, không lấy lòng, nói bằng cái tấm lòng chân thành của mình, bằng quyết tâm của mình. Đặc biệt, phải rất hiểu tình tình địa phương mới đưa ra chương trình hành động xác thực. Đặc biệt, phải có ý tưởng tốt.
PV: Ông có kỳ vọng gì vào những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Sau mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, tôi nhận thấy rằng, trình độ, khả năng của những người tự ứng cử ngày càng cao hơn. Họ tiếp cận được công nghệ thông tin, tiếp cận được pháp luật về bầu cử. Họ cũng tìm hiểu về tình hình địa phương để đưa ra chương trình hành động sát thực. Nhiệm kỳ sau bao giờ cũng có số lượng, chất lượng đại biểu cao hơn nhiệm kỳ trước.
Tôi hy vọng nhiệm kỳ này con số đại biểu tự ứng cử và trúng cử không thể khiêm tốn như những nhiệm kỳ trước. Kết quả đó sẽ là chứng minh tiến trình dân chủ của chúng ta, đưa những người có năng lực, phẩm chất, có tâm, có tầm, có tài, có đức vào Quốc hội và HĐND các cấp./.