"Tuyên truyền thông tin biển đảo có ý nghĩa quan trọng"
VOV.VN - Với nhiều chương trình hoạt động, công tác tuyên truyền biển đảo của Quân cảng Sài gòn với 6 tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa, Bình Dương, Hậu Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Sáng nay 17/2, tại Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Quân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện công tác tuyên truyền biển, đảo; thu hút nguồn nhân lực với Ban Tuyên giáo 6 tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa, Bình Dương, Hậu Giang năm 2021 và ký kết chương trình phối hợp năm 2022.
Với nhiều chương trình hoạt động, công tác tuyên truyền biển đảo của Quân cảng Sài gòn với 6 tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, kịp thời cung cấp thông tin góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm và tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bà Bùi Thị Mười, Phó Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: “Xác định vị trí vai trò của biển đảo với sự phát triển kinh tế nên tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm đến vấn đề tuyên truyền biển đảo. Từ khi có chương trình “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, Thanh Hóa đã kết hợp cùng Quân cảng Sài Gòn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về biển đảo sâu sát và đúng định hướng. Qua các buổi tuyên truyền, lực lượng ngư dân được nâng cao nhận thức, hiểu biết hơn về pháp luật biển, về các lực lượng chức năng trên biển. Bên cạnh đó Thanh Hóa cũng mở nhiều chuyên mục hướng về biển đảo và nhiều chương trình giao lưu trực tiếp với bộ đội trên các đảo có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân đặc biệt là Hải đoàn 128”.
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19 song đội ngũ báo cáo viên của Quân Cảng Sài Gòn đã chủ động đến các cơ quan, địa phương tổ chức 12 buổi tuyên truyền biển, đảo, thu hút nguồn nhân lực cho 3.200 cán bộ, đảng viên, nhân dân, học sinh, sinh viên, công chức; tuyên truyền cho 1.218 lượt ngư dân.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào vị trí vai trò của biển đảo đối với phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước; cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo nước ta...; tuyên truyền về chỉ thị 45 của Thủ trướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); về vị trí vai trò hoạt động các âu tàu, làng chài tại Trường Sa do Tổng công ty quản lý, vận hành; các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển.
Ông Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đăk Nông, cho biết: “Những buổi tuyên truyền thông tin biển đảo có ý nghĩa quan trọng, đây là dịp để các em sinh viên có nhận thức sâu sắc hơn về biển đảo, biên giới, xây dựng tình cảm quê hương đất nước, đưa các em đến gần hơn với biển đảo, các em có góc nhìn toàn diện, đúng đắn hơn thay vì phải tìm hiểu trên mạng internet”.
Bên cạnh đó, các tỉnh thành phố cũng đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo cho các tầng lớp nhân dân, nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về hoạt động của Quân cảng Sài gòn tạo sức lan tỏa lớn trong cán bộ, nhân dân và đồng bào.
Đặc biệt, năm 2021, Quân cảng Sài gòn phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Gia Lai tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển” với sự tham gia của hơn 755 nghìn lượt thí sinh, tạo sức lan tỏa về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam trên địa bàn cả nước...
Ông Tống Thới Mốc, Phó Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy Gia Lai cho biết: “Việc phối hợp triển khai cuộc thi tìm hiểu biển đảo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cùng Quân Cảng Sài Gòn đã tạo sức lan tỏa. Qua cuộc thi giúp cho người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng cũng như cả nước nói chung hiểu hơn về biển đảo Việt Nam cũng như truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam. Thời gian tới Ban tuyên giáo tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với Quân Cảng Sài Gòn để triển khai tốt hơn những hoạt động tuyên truyền”.
Để công tác phối hợp tuyên truyền biển đảo đạt được hiệu quả cao hơn, Đại tá Phạm Văn Phèn, Bí thư Đảng ủy Quân Cảng Sài Gòn khẳng định: Năm 2022, Quân Cảng Sài Gòn và Ban Tuyên giáo các địa phương tiếp tục bám sát kế hoạch, chủ động trao đổi, phối hợp thực hiện các nội dung kế hoạch đã ký kết góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo, thu hút nguồn nhân lực tại các địa phương. Đối với các tỉnh Tây Nguyên- nơi đồng bào vùng sâu, vùng xa chưa thực sự nhận thức cao về chủ quyền biển, đảo, việc tổ chức tốt công tác tuyên truyền thông qua các hoạt động dân vận, xã hội, từ thiện, trong đó điển hình là hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa là thực sự cần thiết. Mỗi căn nhà tình nghĩa khang trang, vững chãi sẽ trở thành một “cột mốc chủ quyền”, đưa biển, đảo của Tổ quốc và hình ảnh người chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam trở nên thân thương và gần gũi với bà con miền núi.
Cùng với hoạt động tuyên truyền biển đảo, thu hút nguồn nhân lực, chỉ tính trong 6 tỉnh ký kết tuyên truyền biển, đảo, đến nay Quân cảng Sài Gòn đã nhận phụng dưỡng suốt đời 108 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 61 Mẹ VNAH còn sống). Theo đó, năm 2021 đã hỗ trợ xây dựng 17 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình đồng bào thuộc diện chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng vật chất (thiết bị, vật tư văn phòng, hội trường) cho Ủy ban Nhân dân xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa; ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bình Dương; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, học sinh nghèo hiếu học nhân dịp lễ, tết, khai giảng năm học mới trên các địa bàn. Tổng số tiền thực hiện công tác dân vận, quân vận, xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa kết hợp tuyên truyền biển, đảo, thu hút nguồn nhân lực tại 6 tỉnh là gần 4 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về thông tin biển đảo, pháp luật biển góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quân Cảng Sài Gòn cùng 6 tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa, Bình Dương, Hậu Giang tiếp tục thống nhất nội dung và kí kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển đảo năm 2022./.