Vì sao cấp dưới không dám phản đối chỉ đạo sai của cấp trên?
VOV.VN - Lo sợ bị mất "miếng cơm manh áo", hoặc do áp lực vì nể nang, e ngại uy quyền của cấp trên, nhiều cán bộ đã "tặc lưỡi" tiếp tay cho những chỉ đạo sai để rồi phải trả giá đắt.
Lộng quyền, lạm quyền để đưa ra những chỉ đạo sai mang tính cá nhân, lợi ích nhóm đã không còn là chuyện hiếm trong các vụ án về tham nhũng, chức vụ. Điều đáng buồn là khi cấp trên chỉ đạo sai, mấy ai dám phản đối. Nguyên nhân của tình trạng trên là gì? Chúng ta có hành lang pháp lý để bảo vệ những người vì sợ cấp trên mà trở thành đồng lõa? Đặc biệt, nếu cứ để tình trạng cấp dưới chấp nhận chỉ đạo sai của cấp trên thì liệu đó có phải là suy thoái?
Bản lĩnh để nhận diện “chỉ đạo sai”
Tháng 11/2020, nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng về việc làm sai lệch hồ sơ vụ án "sử dụng trái phép chất ma túy" tại quán 1 quán karaoke ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng), nguyên Thiếu tá Công an Trịnh Văn Khoa đã dũng cảm làm đơn tố cáo những sai phạm này tới Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Trước khi gửi đơn tố cáo, ông Khoa đã xin ra khỏi ngành Công an.
Ông Khoa đã chấp nhận thiệt thòi vì không thể đồng lõa với những sai phạm của cấp trên. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, các tập thể, cá nhân sai phạm đã phải chịu các hình thức xử lý thích đáng.
Nhưng, những trường hợp như trên đáng tiếc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Luật sư Nguyễn Danh Huế (Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hừng Đông) từng tham gia bào chữa trong nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, chức vụ. Ông Huế cho hay: Trong các lực lượng vũ trang, trong các cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập, việc tuân theo mệnh lệnh của lãnh đạo là điều được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên chúng ta phải làm rõ, không phải lúc nào cũng tuân theo mệnh lệnh cấp trên dù đó là mệnh lệnh sai. Thông thường, một mệnh lệnh đúng không thể vi phạm pháp luật được.
“Cá nhân tôi cũng như các luật sư trong quá trình tham gia nhiều đại án về tham nhũng, chúng tôi thấy, nhiều trường hợp rất đáng tiếc. Những người thực thi mệnh lệnh của cấp trên, họ là người hưởng lương, làm công ăn lương và buộc phải thực thi các mệnh lệnh đó”- luật sư Nguyễn Danh Huế cho hay.
Ông Huế phân tích: Thứ nhất, do họ thiếu hiểu biết pháp luật. Khi có những mệnh lệnh ở bên trên sai, nhưng vì không nắm rõ quy định pháp luật nên họ vẫn làm theo. Hoặc là họ sợ không làm theo mệnh lệnh của cấp trên thì sẽ bị trù dập. Hoặc muốn giữ công việc của mình để lo cho gia đình thì họ buộc phải làm.
“Trong trường hợp này, tôi nghĩ bất cứ một ai, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, cần phải có bản lĩnh, cần phải có kiến thức pháp luật. Để dù cho bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không được tiếp tay, giúp sức cho các hành vi vi phạm pháp luật. Dù là mệnh lệnh của ai, chúng ta cũng phải tuân theo pháp luật”- luật sư Huế nhấn mạnh.
Hành lang pháp lý để bảo vệ cấp dưới
Từ thực tế các vụ án vừa qua, luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết, pháp luật hiện nay cũng đã có sự nhân văn rất lớn. Cụ thể như Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán, hướng dẫn xét xử một số vụ án kinh tế và tham nhũng, cũng đã loại trừ trách nhiệm hình sự cho những người vì làm công ăn lương, phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Đặc biệt khi họ giữ vai trò đồng phạm thứ yếu và không có động cơ mục đích vụ lợi. Họ làm vì động cơ trong sáng, nhưng vì họ phải phục tùng mệnh lệnh, hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật mà họ làm.
Trong nhiều vụ án lớn gần đây, đã có những bị cáo mà khung hình phạt lên đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nhưng họ được áp dụng mức hình phạt rất nhẹ, có thể là 20-30 tháng và cho được hưởng án treo. Khi định hình và giải quyết vụ án thì tòa án xem xét những người này cũng vì phục tùng mệnh lệnh cấp trên, vai trò họ thứ yếu và đặc biệt là họ không vụ lợi thì nhiều bị cáo được áp dụng mức hình phạt nhẹ.
Theo Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, trong Dự thảo của Bộ luật Hình sự năm 2015 có đưa ra: Nếu cấp dưới chấp hành mệnh lệnh của cấp trên nhưng thấy mệnh lệnh đó trái pháp luật, đã phản ánh rồi mà vẫn bắt buộc phải làm thì anh không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Quốc hội đã thảo luận và chỉ chấp nhận điều này ở trong lực lượng vũ trang (công an và quân đội).
“Nhưng tôi nghĩ, trong tương lai, chúng ta phải giảm nhẹ tuyệt đối trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp như vậy. Anh không thực hiện mệnh lệnh của cấp trên thì mất “miếng cơm manh áo”, anh làm thì có nguy cơ phạm tội. Nên chúng ta phải rất cân nhắc và có cơ chế giảm nhẹ”- nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nhận định.
Cấp trên chỉ đạo sai: Im lặng chấp nhận cũng là suy thoái
Tặc lưỡi cho qua, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh đã diễn ra từ lâu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và được xác định là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhận định, hiện tượng này xuất hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, là căn nguyên khiến sức chiến đấu của tổ chức Đảng suy giảm và có nơi, có lúc bị vô hiệu hóa.
Chính vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bổ sung nội dung này vào Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm (25/10/2021).
PGS- TS Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc bổ sung này là cần thiết nhằm cụ thể, phát triển thêm một bước nội dung Nghị quyết Đại hội XII và XIII của Đảng. Vấn đề là làm sao nhận diện đúng và tập trung khắc phục trên cơ sở xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có các hành vi sai phạm, tiêu cực để tạo ra niềm tin, khí thế đấu tranh từ đó đẩy lùi sự thờ ơ, vô cảm.
“Một bộ phận cán bộ, đảng viên thấy sai, biết có sự vi phạm mà không lên tiếng đấu tranh đã làm thui chột sức mạnh tập thể. Đây là cách ứng xử tiêu cực làm giảm sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên” – PGS-TS Lê Văn Cường nói.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Viện Chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thực tế xây dựng Đảng vừa qua, có không ít đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, không dám đấu tranh với những cái sai, ủng hộ cái đúng, thậm chí còn tiếp tay, cổ súy cho một số việc làm sai trái của đồng chí mình. Những hiện tượng, hành vi ấy, dù bất kỳ lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được ở một người đảng viên.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: “Đấu tranh với những sai trái chính là bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị của chúng ta. Nếu thấy đúng không bảo vệ, thấy sai mà không đấu tranh, vậy anh có còn xứng đáng là cán bộ nữa không? Nói như ông cha ta là “mũ ni che tai” rồi “im lặng là vàng”. Anh im lặng để đạt được mục đích cá nhân, không dám đấu tranh với những hiện tượng sai trái, không bảo vệ cái đúng”.
Chừng nào quyền lực không được kiểm soát, chừng nào cơ chế xin-cho còn tồn tại, chừng nào cấp dưới vẫn phải phục tùng cấp trên vô điều kiện thì chừng ấy, sẽ còn những quan chức lấm lem, còn những thuộc cấp đau xót./.
Điều 5, khoản 3 của Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao:
Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;
c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;
d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.