Cấp trên chỉ đạo sai, mấy ai dám phản đối?

VOV.VN - Thông qua các phiên tòa liên quan đến tội phạm chức vụ, kinh tế, tham nhũng, nổi lên một hiện tượng là khi cấp trên chỉ đạo sai, phần lớn cấp dưới không có lựa chọn nào khác. Họ, hoặc là đồng lõa, hoặc là im lặng chấp hành.

Hai nhiệm kỳ gần đây, công cuộc làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ đã để lại một dấu ấn lớn. Đó là “cuộc chiến” không khoan nhượng, đầy khó khăn, thử thách: Đấu tranh trong nội bộ, đấu tranh với những sai phạm của đồng chí mình. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, kể từ khi diễn ra phiên tòa lịch sử, một cựu Ủy viên Bộ chính trị là ông Đinh La Thăng phải hầu tòa, chúng ta đã chứng kiến liên tiếp các cựu quan chức phải cúi đầu xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân.

Đặc biệt, thông qua các phiên tòa liên quan đến tội phạm chức vụ, kinh tế, tham nhũng, nổi lên một hiện tượng là khi cấp trên chỉ đạo sai, phần lớn cấp dưới không có lựa chọn nào khác. Họ, hoặc là đồng lõa, hoặc là im lặng chấp hành. Để rồi, khi ra tòa, rất nhiều giọt nước mắt xót xa đã rơi trên công đường. Để làm rõ hiện tượng sử dụng quyền lực để làm sai, kéo theo cấp dưới vướng vòng lao lý, Báo Điện tử VOV giới thiệu loạt 2 bài viết nhan đề “CẤP TRÊN CHỈ ĐẠO SAI, MẤY AI DÁM PHẢN ĐỐI”? trong đó nhấn mạnh đến việc lạm dụng quyền lực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ đạo không để lại dấu vết (chỉ đạo miệng) khiến cấp dưới buộc phải làm theo mà rất ít người dám phản đối.

                                   Bài 1: Biết cấp trên chỉ đạo sai, cấp dưới vẫn "cun cút" phục tùng

Trong các vụ án liên quan đến người có chức vụ, không ít bị cáo đã từng thốt lên: Không thể kháng lại “chỉ đạo miệng” của cấp trên dù biết không đúng với pháp luật. Họ dường như không có sự lựa chọn bởi hai lý do, hoặc là sợ bị trù dập, hoặc là sợ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo. Đặc biệt, nếu những chỉ đạo mang tính văn bản, sau này, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nhưng đáng tiếc, có những chỉ đạo “miệng” mà họ vẫn phải phục tùng. Đây, rõ ràng là một lỗ hổng.

Người đứng đầu như những “ông trời con”

Những ngày cuối năm 2021, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung liên quan đến những sai phạm trong việc mua chế phẩm xử lý nước Redoxy 3C tại Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Không ít bị cáo đã choáng váng khi nghe đề nghị mức án. Có những người cay đắng giữa công đường khi thốt lên, họ buộc phải chấp hành “chỉ đạo miệng” của ông Nguyễn Đức Chung. Bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội chua xót: “Thời điểm năm 2016, bị cáo Nguyễn Đức Chung ở Hà Nội như một “ông trời con”.”

Nghe theo “chỉ đạo miệng” từ ông Nguyễn Đức Chung, nhóm bị cáo cấp dưới đã phải “phá rào”, tạo điều kiện cho Nhật Cường trúng thầu trái quy định pháp luật. Cái kết là người chỉ đạo và người được chỉ đạo đều phải chịu những bản án nghiêm khắc của tòa.

“Chỉ đạo miệng” là gì mà ghê gớm vậy? Là dùng quyền lực của mình để khiến cấp dưới phục tùng mà không để lại dấu vết. Nó không chỉ xuất hiện ở vụ án này mà trở thành một hiện tượng khá phổ biến ở các phiên tòa xét xử những người từng nắm chức vụ cao. Điển hình như phiên xét xử cựu trưởng Công an quận Tây Hồ - Phùng Anh Lê hồi tháng 8/2022. Hàng loạt cấp dưới phải hầu tòa đồng loạt khai ông Lê đã “chỉ đạo miệng” để tha người trái pháp luật. Dù liên tục phủ nhận, nhưng cuối cùng cựu Đại tá Phùng Anh Lê đã bị tòa tuyên mức án 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ” để đưa ra các chỉ đạo sai.

Phiên xử vụ sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) cuối năm 2021, bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SADECO) cũng khẳng định, nếu không có lời nói của “anh Cang” (bị cáo Tất Thành Cang - cựu Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM) thì chắc chắn không xúc tiến công việc với công ty Nguyễn Kim, để rồi dẫn đến sai phạm.

Trước đó, trong vụ án PVN mất trắng 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ocean Bank dưới thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch, bị cáo Phan Thị Hòa từng là thuộc cấp của ông Thăng với chức vụ ủy viên HĐQT, trưởng ban kiểm soát nội bộ cũng đã nghẹn ngào giữa công đường. 

Bà Hòa cho rằng, dù là thành viên HĐQT thời kỳ đó nhưng không được bàn bạc, xin ý kiến về chủ trương góp vốn. Tuy nhiên, khi mọi chuyện có nguy cơ vỡ lở, ông Thăng đã gọi điện nhờ bà Hòa và những cựu thành viên khác ký khống vào giấy xác nhận “đã đồng ý chủ trương góp vốn” để hợp lý hóa sai phạm của mình. Ông Thăng lúc này đã giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM. Bà Hòa biết mười mươi làm như vậy là sai nhưng “nể” sếp cũ, vẫn đồng ý ký. 

Hay trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, các thuộc cấp của ông Lê Nam Trà cũng khai rằng, dưới thời ông Trà đứng đầu Mobifone, rất nhiều cán bộ biết sai nhưng vẫn phải im lặng và phải làm theo chỉ đạo của cấp trên. Cựu Phó Tổng Giám đốc Mobifone Nguyễn Đăng Nguyên cho biết, năm 2015, ông Lê Nam Trà là Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, nắm quyền lực tuyệt đối ở Mobifone, ít ai dám chống lại. 

“Một tay che lấp cả bầu trời”

Điểm qua những vụ đại án trên có thể thấy, quyền lực của cấp trên là tuyệt đối. Một tay có thể che lấp cả bầu trời. Tổ chức Đảng bị vô hiệu hóa. Cấp dưới nếu không ăn cánh, không phục tùng cấp trên thì có thể bị đưa ra khỏi guồng máy. 

Ngay tại phiên tòa xét xử 2 cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đại diện VKS nhận định: Qua vụ án này và các vụ án đã xét xử liên quan đến Phan Văn Anh Vũ có thể thấy, đang tồn tại lỗ hổng trong việc thanh kiểm tra, giám sát quyền lực, quyền lực càng cao càng phải được giám sát chặt chẽ. 

Một lời nói của người đương chức có sức nặng, khiến cho nhiều quy định pháp luật về việc lựa chọn thầu, chọn đối tác được gác lại. Cũng là một lời nói đó có thể khiến cả ê-kíp, dù được hưởng lợi hay không hưởng lợi trong vụ việc phải vướng vòng lao lý.

Các mối quan hệ thân quen giữa người có tiền với người có quyền đã “đưa đẩy” các quyết định sai trái khiến cho cấp dưới, vì sợ cấp trên mà phải chấp hành. Bằng những “chỉ đạo miệng”, bằng bút phê, nhiều lãnh đạo đã biến thuộc cấp thành “cánh tay nối dài”. Cũng bởi vậy, nhiều cán bộ khi đứng trước tòa đã nói rằng, họ chẳng có lựa chọn nào khác bởi “trên bảo dưới phải nghe, trên đe dưới phải sợ”.

Người đứng đầu về mặt chính quyền cần phải có quyền lực trong tay, đó là điều cần thiết để duy trì bộ máy. Nhưng quyền lực đến mức tuyệt đối, khiến cho tổ chức Đảng trong đơn vị bị vô hiệu hóa, cấp dưới dù biết sai nhưng vẫn phải “nhắm mắt” làm thì lại trở thành một lỗ hổng nguy hiểm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cấp dưới đồng loạt khai ông Phùng Anh Lê "chỉ đạo miệng" thả người trái luật
Cấp dưới đồng loạt khai ông Phùng Anh Lê "chỉ đạo miệng" thả người trái luật

VOV.VN - Các bị cáo là cấp dưới đồng loạt khai bị cáo Phùng Anh Lê (cựu trưởng Công an quận Tây Hồ) đã dùng sức ép, chỉ đạo miệng để thả người trái pháp luật.

Cấp dưới đồng loạt khai ông Phùng Anh Lê "chỉ đạo miệng" thả người trái luật

Cấp dưới đồng loạt khai ông Phùng Anh Lê "chỉ đạo miệng" thả người trái luật

VOV.VN - Các bị cáo là cấp dưới đồng loạt khai bị cáo Phùng Anh Lê (cựu trưởng Công an quận Tây Hồ) đã dùng sức ép, chỉ đạo miệng để thả người trái pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo miệng có lợi cho công ty của vợ con
Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo miệng có lợi cho công ty của vợ con

VOV.VN - Kết luận điều tra cho rằng động cơ, mục đích của ông Nguyễn Đức Chung trong vụ chế phẩm Redoxy 3C là định hướng cho công ty người nhà thực hiện việc mua hóa chất xử lý nước thải cho TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo miệng có lợi cho công ty của vợ con

Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo miệng có lợi cho công ty của vợ con

VOV.VN - Kết luận điều tra cho rằng động cơ, mục đích của ông Nguyễn Đức Chung trong vụ chế phẩm Redoxy 3C là định hướng cho công ty người nhà thực hiện việc mua hóa chất xử lý nước thải cho TP Hà Nội.