Việt kiều Mỹ, chuyên gia IMF đóng góp sửa đổi Hiến pháp

(VOV) - Theo ông Phạm Thế Hoàng, cần giải thích cụ thể về những nội dung sửa đổi và lý do cần sửa đổi.

Ông Phạm Thế Hoàng, chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Mỹ kiến nghị, Ban soạn thảo Hiến pháp sửa đổi giải thích cụ thể về những nội dung sửa đổi và lý do cần sửa đổi để người dân hiểu rõ hơn về những điểm mới trong Hiến pháp. 

Ông Phạm Thế Hoàng cho biết: “So sánh với bản Hiến pháp 1992, tôi thấy bản Hiến pháp lần này không thay đổi nhiều về nội dung. Hiến pháp 1992 ra đời trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn cải cách nhanh và dưới nhiều sức ép như tiến trình diễn ra ở Đông Âu cũng như của nền kinh tế Việt Nam, cho nên Hiến pháp 1992 tiến bộ rất nhiều so với các Hiến pháp trước đây và góp phần tích cực, tạo nền tảng cho sự thay đổi diễn ra những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Hiến pháp lần này có một số thay đổi tích cực, ví dụ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bỏ đi những ngôn từ như kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo. Sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể vốn được coi là nền tảng trong Hiến pháp 1992 thì bây giờ cũng không còn nữa. Hiến pháp lần này cũng quy định những cơ chế mới như Hội đồng Hiến pháp hoặc Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, sửa đổi Hiến pháp lần này có một số vấn đề đáng quan tâm. Thứ nhất là về mặt thủ tục. Sửa đổi Hiến pháp đối với bất cứ một quốc gia nào là một quá trình thường kéo dài và rất quan trọng, lần này thời gian cho nhân dân góp ý là tương đối ngắn.

Hai là, Ban sửa đổi Hiến pháp nên có những văn bản giải thích cụ thể, không chỉ là những điều Hiến pháp mới thay đổi mà tại sao lại thay đổi như thế này, phải diễn giải để nhân dân được hiểu. Ví dụ như vì sao lại bỏ việc lấy kinh tế Nhà nước làm chủ đạo và sở hữu toàn dân-sở hữu tập thể làm nền tảng, việc bỏ như vậy có ý nghĩa như thế nào, và nếu bỏ như vậy có phù hợp với quy định kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN hay không.

Ngoài ra, còn một điểm nữa về mặt thủ tục mà tôi không hiểu, đó là Ban soạn thảo Hiến pháp sau khi tổng hợp ý kiến toàn dân có giải trình và công khai các ý kiến đó trên báo chí hay không, bởi vì như vậy thì ý kiến của nhân dân đóng góp mọi người mới thấy là thực sự mình được lắng nghe.

Về nội dung chi tiết của Hiến pháp, tôi nhận thấy mang tính văn chương hơn ngôn ngữ pháp luật. Ngôn ngữ pháp luật thường nên súc tích, ngắn gọn, cụ thể. Ngôn ngữ Hiến pháp vẫn có thể mang tính văn chương một chút, nhưng nên tập trung nhiều ở phần lời nói đầu chứ không phải là trong các điều khoản cụ thể.

Ví dụ, điều 94 bản Hiến pháp sửa đổi nói văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Nếu nói như vậy thì mang tính văn chương nhiều hơn là một điều luật pháp lý. Điều luật pháp lý nếu đã nói là văn hóa thì phải nói chính sách của Nhà nước điều chỉnh về văn hóa như thế nào đối với cả quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của công dân, cũng như nghĩa vụ của nhà nước đối với văn hóa như thế nào chứ không phải là nói một tiêu chí rất chung chung, thiếu thực tiễn, cụ thể và rất khó áp dụng trong thực tế.

Theo tôi, điều quan trọng không phải là thay đổi Hiến pháp mà là giải thích và tinh thần thực hiện Hiến pháp. Hiến pháp 1992 có thể không có nhiều thay đổi mang tính cách mạng, nhưng việc thực hiện Hiến pháp 1992 có nhiều thay đổi rất tích cực, và điều đó diễn ra chủ yếu là do cách thức thực hiện và áp dụng.

Nếu như bản Hiến pháp lần này, với những sửa đổi theo tôi là không nhiều và tinh thần thực hiện Hiến pháp lại không được áp dụng và quán triệt rộng rãi thì sẽ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, phải thừa nhận là nếu bản Hiến pháp được thảo luận rộng rãi, tăng thời gian thảo luận, công khai hóa việc trả lời, thì ít nhất cũng góp phần tăng thêm sự hiểu biết của nhân dân đối với Hiến pháp. Một trong những điều quan trọng nhất đối với Nhà nước pháp quyền là ý thức của dân chúng và của các cơ quan nhà nước về tầm quan trọng của Hiến pháp cũng như của pháp luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Luật sư Việt kiều Mỹ đóng góp sửa đổi Hiến pháp
Luật sư Việt kiều Mỹ đóng góp sửa đổi Hiến pháp

(VOV) - Theo luật sư Đinh Viết Tứ, Hiến pháp sử đổi cần đảm bảo sự cân bằng giữa quyền của Nhà nước và người dân.

Luật sư Việt kiều Mỹ đóng góp sửa đổi Hiến pháp

Luật sư Việt kiều Mỹ đóng góp sửa đổi Hiến pháp

(VOV) - Theo luật sư Đinh Viết Tứ, Hiến pháp sử đổi cần đảm bảo sự cân bằng giữa quyền của Nhà nước và người dân.